11:21 16/07/2012

Tháng Tám sẽ chất vấn Thống đốc về nợ xấu

Nguyên Thảo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào phiên họp tháng 8/2012

Nội dung dự kiến sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn, giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu,... - Ảnh: Chinhphu.vn.
Nội dung dự kiến sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn, giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu,... - Ảnh: Chinhphu.vn.
Những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngân hàng hiện đang có nhiều bức xúc trong xã hội, vì vậy đề nghị tiếp tục chất vấn, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 16/7.

Theo Tờ trình về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2012 của Ban Công tác đại biểu, các vị được đề xuất trả lời chất vấn gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bà Nương cho biết, nội dung dự kiến sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.

Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng là nằm trong dự kiến sẽ chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, tuy nhiên, những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngân hàng hiện đang có nhiều bức xúc trong xã hội, vì vậy đề nghị tiếp tục chất vấn, bà Nương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia trả lời làm rõ thêm những vấn đề có liên quan khi Thống đốc trả lời.

Với Tổng Thanh tra Chính phủ, nội dung chất vấn sẽ liên quan đến giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai, biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra.

Bên cạnh đó là hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia trả lời làm rõ thêm những vấn đề có liên quan, bà Nương cho biết.

Thời gian chất vấn được dự kiến từ 1 đến 1,5 ngày, mỗi bộ trưởng, trưởng ngành là 1/2 ngày. Nếu thời gian dành cho hoạt động chất vấn là 1 ngày thì đề nghị lựa chọn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Nếu thời gian là 1,5 ngày thì đề nghị thêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn, Ban công tác đại biểu nêu quan điểm.  

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều cho rằng cần tiến hành chất vấn Thống đốc Bình.

Nợ xấu đang là vấn đề nóng bỏng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải quan tâm bà Mai phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị nội dung chất vấn Thống đốc tập trung vào vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị thêm để có thể chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Với Thống đốc sẽ tập trung vào chất vấn về giải quyết về nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống, Chủ tịch nói.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã được dự kiến trong danh sách trả lời chất vấn và được đa số đại biểu lựa chọn, song ông đã không được quyết định đăng đàn chính thức.