23:26 20/04/2017

Thanh tra đất đai tại Đồng Tâm, đề nghị dân thả người

Song Hà

Hà Nội sẽ thanh tra toàn diện vấn đề đất đai có liên quan và mong muốn tiếp tục đối thoại với người dân

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Bộ Công an... gặp báo chí tối 20/4.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Bộ Công an... gặp báo chí tối 20/4.
Thành phố đã quyết định thanh tra toàn diện toàn bộ vấn đề đất đai có liên quan tại địa phương để làm rõ các thông tin mà người dân phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại buổi gặp mặt báo chí chiều tối 20/4, sau khi ông có cuộc làm việc tại huyện Mỹ Đức chiều cùng ngày.

Thông tin với báo chí, ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nói, bản thân chính quyền và người dân trong xã mong muốn sớm ổn định tình hình, trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp trong nhiều ngày qua. 

Ông Sỹ cho hay, ngày 17/4 vừa qua, đại diện xã Đồng Tâm đã gặp người dân thôn Hoành, sau đó vào trực tiếp nơi giữ cán bộ, chiến sỹ và thuyết phục bà con về việc giữ người trái pháp luật, nhưng chỉ có 18 người được thả sau đó, 20 người hiện vẫn đang bị giữ.

“Hiện người dân thôn Hoành không tin cán bộ xã và họ muốn lãnh đạo cấp cao về đối thoại. Người dân muốn làm rõ đất nông nghiệp hay đất quốc phòng, họ vẫn muốn được cơ quan chức năng về làm rõ cho dân”, ông Sỹ nói.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, mặc dù chiều nay ông xuống trụ sở huyện Mỹ Đức để đối thoại với người dân, nhưng bà con đã không đến. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với người dân.

Đặc biệt, ngay trong ngày 20/4, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình sử dụng đất khu vực sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm. Kết quả thanh tra sẽ có sau 45 ngày kể từ ngày quyết định ban hành.

“Đoàn thanh tra sẽ lắng nghe, tiếp thu, tiếp nhận những kiến nghị của bà con xã Đồng Tâm, trên cơ sở tài liệu đã có và bà con cung cấp để có kết luận đúng nhất. Giải quyết thoả đáng nhất tâm tư, nguyện vọng của bà con”, ông Chung khẳng định.

Ghi nhận từ ngày 15/4 đến nay, bà con thôn Hoành đã nấu cơm, cho tắm giặt, mua quần áo cho các chiến sỹ công an bị bắt giữ, song người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị bà con sớm tháo dỡ các hàng rào, vật cản trên đường vào làng, thả các chiến sỹ đang bị giữ trái phép còn lại.

Một lần nữa, tôi đề nghị bà con nên thả toàn bộ các chiến sỹ. Bà con lo ngại có việc tấn công và giải cứu, tôi khẳng định không bao giờ có việc đó xảy ra”, ông Chung nói.

Song ông cũng khẳng định, việc gì cũng có giới hạn.

Bà con đã cắm khẩu hiệu sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thì bà con cũng cần thực hiện theo. Bà con có kiến nghị là hiện đang có 143 đối tượng có tiền án, tiền sự. Bà con cũng nên giải thích, giám sát không để các đối tượng gây rối. Chúng tôi cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, xử lý không để các đối tượng này gây rối”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Ngoài ra, ông cho biết đã yêu cầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tạm dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng khu đất để phục vụ công tác thanh tra.

Trao đổi với báo chí, đại diện một số hộ dân thôn Hoành cho biết, bà con nơi đây chào đón Chủ tịch Hà Nội về làm việc và đồng tình với quyết định thanh tra toàn diện việc sử dụng đất tại Miếu Môn.

Họ cũng cho biết sẵn sàng hợp tác, cung cấp hồ sơ khi đoàn đến làm việc, và hy vọng lần này thành phố sẽ làm nghiêm túc để có kết quả thỏa đáng hơn những lần trước.

Ông Bùi Viết Hiểu (75 tuổi) - một người trong nhóm cao niên đại diện dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm cho hay, về mảnh đất 59 ha tại đồng Sênh, nếu cơ quan chức năng có văn bản, tài liệu chứng minh đó là đất quốc phòng, người dân sẽ đồng thuận.

Sự việc phức tạp tại Đồng Tâm bắt nguồn từ việc năm 1980, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không không quân tiếp tục sử dụng diện tích đất quốc phòng này làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.

Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng này do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của quân đội và đất nước), trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm.

Nhưng trước đó, một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã lấn chiếm đất canh tác, xây dựng công trình trên diện tích đất quốc phòng này.

Do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng, nên khi Bộ Quốc phòng thu hồi đất để giao cho Viettel thì nhiều người dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên các cơ quan của huyện và thành phố.

Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại, trả lời và giải quyết nhiều kiến nghị của người dân, tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình trật tự an ninh tại xã Đồng Tâm vẫn diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến các công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, nhất là khi Viettel nhận bàn giao diện tích đất để thi công.