18:01 07/11/2009

Thảo luận hai dự án điện: Lo an toàn, tái định cư

Nguyễn Lê

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhiều ý kiến tán thành chủ trương đầu tư hai dự án điện- Ảnh: LQP.
Nhiều ý kiến tán thành chủ trương đầu tư hai dự án điện- Ảnh: LQP.
Thảo luận tại tổ về dự án Thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận sáng 7/11, các vị đại biểu Quốc hội đều đồng thuận cao với chủ trương đầu tư hai dự án này.

Đại biểu Giàng Páo Mỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nói, trước khi về Hà Nội dự kỳ họp, chúng tôi tiếp xúc cử tri, có người già nói, cầu trời cho tôi được sống lâu để nhìn thấy cái thủy điện Lai Châu.

Tuy nhiên, còn rất nhiều băn khoăn về mức độ an toàn, việc quản lý, vận hành sau khi xây dựng, đặc biệt là công tác tái định cư… được các đại biểu bày tỏ.

Cần cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng xây dựng điện hạt nhân cũng có nghĩa là hình thành ngành công nghiệp mới của đất nước. Theo đại biểu Kiên, cần  phải quan tâm đặt mối liên hệ giữa dự án này với cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt. Cần quy hoạch cụm kinh tế vùng về năng lượng hạt nhân, lấy Đà Lạt làm trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng còn Ninh Thuận làm khu vực công nghiệp, sản xuất, ông Kiên đề nghị.

Vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn nhất chính là độ an toàn khi vận hành nhà máy điện hạt nhân. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo một đội ngũ lành nghề để có thể quản lý vận hành nhà máy. Tuy nhiên theo dự kiến của Chính phủ thì chỉ có khoảng 10 năm để hình thành đội ngũ đó. Theo ông Kiên, Quốc hội cần quan tâm đến cơ chế đặc thù để Chính phủ có căn cứ thực hiện được việc này.

Đại biểu Hoàng Ngọc Thái (Ninh Thuận) nêu 10 kiến nghị, trong đó có việc thành lập hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia bao gồm các chuyên gia giỏi và phải có lực lượng kế thừa.

Vị đại biểu này cũng đề nghị cần có chính sách tài chính đặc biệt cho địa phương nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Và khi đã được Quốc hội thông qua đề nghị triển khai thực hiện nhanh, mạnh chứ “vừa làm vừa giải lao” như nhiều dự án khác thì rất khó.

Về công nghệ, các ý kiến thảo luận đều tán thành quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là cần lựa chọn công nghệ tiên tiến,  ít ra là thế hệ ba trở lên. Với dự án này, an toàn phải được đặt lên hàng đầu, hiệu kinh tế chỉ là hàng thứ hai, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu.

Tái định cư: Chưa yên tâm
 
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại các đoàn đại biểu Ninh Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng…đều tỏ ra lo lắng về công tác tái định cư của cả hai dự án. Bởi thực tế cho thấy còn rất nhiều bất cập trong công tác này tại nhiều dự án khác, trong đó có Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La…

Theo một ý kiến của đại biểu đoàn Ninh Thuận, nơi dự định xây nhà máy điện hạt nhân, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Đã sống hàng trăm năm bằng nghề đi biển nay lo lắng không biết chuyển nghề mới sẽ ra sao.

Vị đại biểu này cũng đề nghị phải có chính sách đặc biệt về tái định cư, công khai, minh bạch và không được áp đặt.

Các đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đều cho rằng tái định cư cho dân theo kiểu chia lô xây nhà như ở trên phố thì dân không thể tái định canh. Có nơi tái định cư cho dân không có trường học, trạm y tế vì không tính toán ngay từ đầu, đại biểu Anh nói.

Với Thủy điện Lai Châu, báo cáo của Chính phủ cho biết hiện có 9 xã, 30 bản với 1.331 hộ/5.867 khẩu nằm trong phạm vi lòng hồ và mặt bằng công trình. Công tác di dân tái định cư chỉ liên quan đến huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra đưa ra kết quả khảo sát của tỉnh Điện Biên cho thấy, với mực nước dâng gia cường trên 300 m thì sẽ ngập một phần diện tích của huyện Mường Chà và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ quan tâm đến điều này và bố trí nguồn lực cần thiết để thực hiện.

Có đại biểu cho rằng nên tách riêng việc di dân thành một dự án và giao cho tỉnh Lai Châu thực hiện vì trách nhiệm lâu dài đối với đời sống người dân thuộc về chính quyền địa phương.