04:32 01/01/2014

Thi hành Hiến pháp, chặng đường còn gian nan

Nguyên Thảo

Ngay đầu tháng 1/2014, một hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp sẽ được tổ chức

Quốc hội trong ngày thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Quốc hội trong ngày thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Có thể khẳng định, sự ra đời của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) là sự kiện chính trị lớn nhất của năm 2013. Hôm nay, 1/1/2014, là ngày bản Hiến pháp chính thức có hiệu lực.

Khi rời hội trường Bộ Quốc phòng (nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội - PV) sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, bên cạnh đề cương báo cáo cáo kết quả kỳ họp như thường lệ, mỗi vị đại biểu còn có thêm tài liệu giới thiệu một số nội dung cơ bản của Hiến pháp.

Theo tài liệu này, Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Tuy nhiên, để các điểm mới này có thể được thi hành với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì có thể còn gian nan hơn cả việc cho ra đời bản Hiến pháp mới. Vì bên cạnh các quy định có hiệu lực trực tiếp, một số điều quy định do luật định thì phải chờ luật mới có thể thi hành.

Chỉ xin lấy ví dụ ở một trong 120 điều của Hiến pháp sửa đổi, đó là điều 25. Điều này hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Trong các quyền nói trên, quyền biểu tình được hiến định từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam vào năm 1946 và tiếp tục được khẳng định ở tất cả các bản Hiến pháp sau đó. Thế nhưng ở nghị trường, không phải một lần, cũng không phải chỉ một vị đại biểu nói rằng quyền biểu tình của dân đã bị treo từ đó đến nay, tức gần 70 năm, do chưa có Luật Biểu tình.

Nay, ở kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp thì việc ban hành Luật Biểu tình cũng mới chỉ được xác định sẽ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020. Mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, công tác lập pháp cần ưu tiên cho các dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Trong khi đó, với việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước tại Hiến pháp mới thì cũng có nhiều công việc cần được ưu tiên.

Đó là các văn bản pháp luật cần được sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác. Rồi việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Nhưng đó cũng mới chỉ là một phần những việc cần làm ngay.

Nhìn vào kế hoạch do Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì công việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp thật khổng lồ. Và có khá nhiều dự án luật buộc phải được thông qua chậm nhất vào cuối 2015.

Bởi thế, cũng dễ hiểu khi có không ít ý kiến “hiến kế” để đẩy nhanh quá trình đó, như dùng một luật sửa nhiều luật, hay thậm chí là Quốc hội họp riêng một kỳ chỉ để xây dựng pháp luật.

Song, đó vẫn là câu chuyện dài hơi, việc cấp bách hơn là tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một trong các yêu cầu của việc tổ chức triển khai thi hành  Hiến pháp được Ủy ban Pháp luật xác định là “kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta”.

Chủ tịch Quốc hội nhẹ nhàng nhắc rằng, đừng vội viết là “chống phá, chống đối”, ông không thích cách viết như thế. Vì các ý kiến khác về một số điều khoản thì ngay trong Quốc hội cũng còn có, và cần được trân trọng ghi nhận.

Ông lưu ý bên cạnh tuyên truyền một cách mô phạm, thì cũng cần có hình thức chuyên sâu như nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo và cả viết bài đăng báo. Chủ tịch cũng “đặt bài” các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội viết bài về Hiến pháp để đăng báo trong thời gian trước Tết Nguyên đán.

Theo kế hoạch đã được bàn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay đầu tháng 1/2014, một hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp sẽ được tổ chức. Và đó cũng chỉ là hoạt động mở màn cho bộn bề công việc tiếp sau, để tinh thần của bản Hiến pháp mới ngấm dần vào cuộc sống.