23:10 14/04/2012

Thoát đình trệ - lạm phát: “Dung hoà” các giải pháp đối nghịch

Dương Ngọc

Vòng xoáy đình trệ - lạm phát đang là một nguy cơ của nền kinh tế hiện nay. Làm thế nào để “thoát” khỏi nguy cơ này?

 Trong khi lạm phát bước đầu được kiềm chế khi tốc độ tăng CPI đã chậm lại, thì hiệu ứng phụ của nó là đình trệ sản xuất - Ảnh: Getty.
Trong khi lạm phát bước đầu được kiềm chế khi tốc độ tăng CPI đã chậm lại, thì hiệu ứng phụ của nó là đình trệ sản xuất - Ảnh: Getty.
Lạm phát, biểu hiện ở tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tuy đã chậm lại, nhưng vẫn chưa thể chủ quan, lơ là, bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, CPI tính theo năm của tháng 3 vẫn còn ở mức 14,15%. Nhưng từ tháng 10 có thể tăng lên, do số gốc so sánh là tốc độ tăng CPI trong những tháng cuối năm trước tăng thấp (tháng 10 tăng 0,36%, tháng 11 tăng 0,39%, tháng 12 tăng 0,53%), nên việc tiến tới tăng dưới 10% trong tháng 12 tới là không dễ.

Thứ hai, từ nay đến cuối năm vẫn có những yếu tố gây áp lực làm tăng CPI, Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hoá, dịch vụ quan trọng. Giá điện mới tăng một lần 5% vào cuối năm trước và được dự đoán còn một vài lần tăng nữa (Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đề cập đến con số khoảng 10%).

Thứ ba, tâm lý lạm phát vẫn còn ám ảnh, khi tính từ năm 2004 đến năm 2011 (sau 8 năm), CPI đã cao gấp gần 2,6 lần, hay đồng tiền mất giá tới 61%; trong đó tính từ năm 2007 đến năm 2011 (sau 5 năm), CPI tăng 89,8% - tức đồng tiền mất giá tới 47,3%! Nếu tính bình quân năm, thì CPI thời kỳ 2004-2011 tăng 11,19%, trong đó thời kỳ 2007-2011 tăng 13,18%; cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP bình quân năm tương ứng là 7,15% và 6,55%.

Thứ tư, số liệu thống kê lịch sử cho thấy, trong 8 năm qua, CPI cứ 2 năm tăng cao mới có 1 năm tăng thấp hơn.

Thứ năm, dư nợ tín dụng tính đến 20/3 đã giảm 2,13% so với cuối năm trước. Mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 16-17%. Theo đó 9 tháng còn lại của năm nay dư địa tăng trưởng tín dụng có thể sẽ lên đến 18,5-19,5%, bình quân 1 tháng sẽ tăng khoảng 2% - đó là tốc độ tăng khá cao, rất dễ gây ra lạm phát vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Đình trệ sản xuất

Trong khi lạm phát bước đầu được kiềm chế khi tốc độ tăng CPI đã chậm lại, thì hiệu ứng phụ của nó là đình trệ sản xuất.

Sự đình trệ này được xét ở các góc độ khác nhau. Biểu hiện tổng hợp nhất là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4%, thấp xa so với cùng kỳ nhiều năm trước (quý 1/2010 tăng 5,84%, quý 1/2011 tăng 5,57%, chỉ cao hơn mức “đáy” 3,1% của quý 1/2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có và hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát bùng phát trong năm 2008).

Mô hình kinh tế hình chữ W (xuống đáy hai lần - lần thứ nhất là quý 1/2009 và lần thứ hai là quý 1 năm nay) đã xuất hiện.

Một biểu hiện khác của nguy cơ đình trệ là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bị giảm (giảm 7% về số doanh nghiệp, giảm 10% về số vốn), trong khi số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể trên 2,2 nghìn; đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế trên 9,7 nghìn; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6%, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.

Có nhiều nguyên nhân làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.

Ở đầu vào, rõ nhất là việc tiếp cận vốn gặp khó khăn, tăng trưởng dư nợ tín dụng đã bị giảm liên tiếp và tính đến 20/3 đã giảm 2,13% so với cuối năm trước. Tăng trưởng dư nợ tín dụng mang dấu âm, trước hết là do lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại cao suốt trong năm 2011, kéo dài cho đến 2 tháng đầu năm nay; từ tháng 3 có giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức cao.

Cụ thể, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực được khuyến khích và ưu đãi như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến 14,5-16%/năm; cho vay sản xuất, kinh doanh khác 16,5-20%/năm; cho vay lĩnh vực không khuyến khích 20-25%/năm - bình quân cung vẫn ở mức 17- 19%/năm, cao hơn hẳn so với nhiều nước (Ấn Độ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%...).

Lãi suất cao đã làm cho gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng lên. Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tỷ lệ chi phí lãi vay/giá thành của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 2,93% năm 2010 lên 3,61% năm 2011 và tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành tăng thời gian tương ứng từ 4,72% lên 5,56%.

Với giả định các yếu tố khác không đổi, thì giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với của Ấn Độ khoảng 2%, của Thái Lan khoảng 2,51%, của Trung Quốc khoảng 2,6%, của Singapore khoảng 2,8%.

Các so sánh trên cho thấy do lãi suất cao đã làm cho chi phí lãi vay/giá thành, chi phí tài chính/giá thành tăng và ở mức cao; đến lượt nó lại tác động đến 3 mặt của doanh nghiệp Việt Nam: (1) Giảm lợi nhuận, thậm chí là ăn vào vốn, là thua lỗ; (2) Làm giảm khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới; (3) Việc đáp ứng các điều kiện được vay vốn của các doanh nghiệp đối với các ngân hàng thương mại cũng khó khăn làm cho các ngân hàng thương mại không dám mạnh tay cho vay.

Việc tiếp cận vốn khó khăn nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp hơn. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP của quý 1 năm nay thấp hơn của quý 1 năm trước (36,2% so với 38,8%), trong khi tốc độ tăng trưởng GDP lại thấp nhiều hơn (4% so với 5,57%).

Đây là dấu hiệu cảnh báo hiệu quả đầu tư của cả năm nay sẽ bị thấp hơn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho tốc độ tăng GDP quý 1 năm trước là gần 7 lần, trong khi quý 1 năm nay là gần 9,1 lần).

Ở đầu ra, đối với tiêu thụ trong nước, thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tăng 5%, tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (8,7%).

Đối với xuất khẩu, tuy tốc độ tăng vẫn khá cao, nhưng chỉ bằng hai phần ba tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (23,6% so với 36,4%); kim ngạch nhập khẩu tuy tăng (6,9%), nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá nhập khẩu (10,56%), thì lượng xuất khẩu bị giảm 3,3%; đối với một số loại nguyên, nhiên vật liệu và hàng hoá còn giảm nhiều hơn, như bông, sợi, vải, phân bón, xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác,...

 Chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến tăng thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (0,5% so với 18,5%), trong đó một số ngành, sản phẩm cụ thể còn bị giảm. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng rất cao so với tốc độ tăng của cùng thời điểm năm trước (34,9% so với 18,5%), trong đó một số ngành và sản phẩm còn cao hơn nữa.

Làm thế nào để thoát khỏi nguy cơ?

Chữa lạm phát đã khó, chữa đình trệ đã khó, nhưng chữa vừa lạm phát, vừa đình trệ càng khó hơn, vì đây là khó khăn kép. Chữa lạm phát có nhiều giải pháp, trong đó thường phải thắt chặt tiền tệ. Chữa đình trệ cũng có nhiều giải pháp, trong đó thông thường là nới lỏng tiền tệ, với việc hạ lãi suất.

Từ góc nhìn của người viết, vấn đề đặt ra là phải có sự “dung hoà” giữa hai nhóm giải pháp gần như ngược nhau như đã đề cập ở trên. Sự “dung hoà” này được thể hiện ở những giải pháp sau.

Thứ nhất, tăng cung hàng hoá, dịch vụ. Lạm phát có nguyên nhân tổng quát là mất cân đối cung - cầu, mất cân đối giữa tiền và hàng. Thời gian qua, việc kiềm chế lạm phát chủ yếu tập trung hơn cho việc tăng cung, để thu hẹp mất cân đối cung - cầu; tăng hàng hoá, dịch vụ để giảm mất cân đối tiền - hàng.

Để tăng cung mà không làm tăng lạm phát, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

- Thực hiện ngay việc hạ lãi suất cho vay, với trần lãi suất huy động 13%/năm hiện nay, thì lãi suất cho vay theo thông lệ và tính hợp lý của chi phí hoạt động ngân hàng thì lãi suất cho vay chỉ vào khoảng 16%/năm. Với lãi suất cho vay bình quân 16%/năm, thì có dự án cần ưu tiên có thể chỉ 14-15%/năm, còn các lĩnh vực không khuyến khích có thể chịu lãi suất cao hơn tuỳ theo tỷ trọng cho vay đối với các lĩnh vực này.

- Chuyển dịch cơ cấu cho vay, tập trung ưu tiên cả về lượng vốn, cả về lãi suất cho các ngành lĩnh vực trực tiếp sản xuất là nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

- Khoanh nợ, mua/ bán nợ, giãn nợ đối với những khoản nợ của các ngành sản xuất trực tiếp, các ngành sử dụng nhiều lao động, những ngành có thị trường tiêu thụ,...

- Cắt giảm, hoãn các khoản thuế, phí theo hướng “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”.

Thứ hai, đối với tổng cầu, tiếp tục cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách..., đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hạ giá bán, bán trả góp để giảm tồn kho, thu hồi vốn. Quay nhanh vốn. Giảm đầu tư ngoài ngành, ngoài lĩnh vực chính để tập trung vào ngành, lĩnh vực chính...