20:35 05/08/2011

“Thủ tướng, các bộ trưởng nên cụ thể hóa lời hứa”

VnEconomy

Những phát biểu đáng chú ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về ngân sách, kinh tế, xã hội.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về ngân sách, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh các vấn đề "nóng" như bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, thiếu vốn…, những kỳ vọng và cả đòi hỏi với Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng đã được đặt ra tại phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, chiều 5/8

VnEconomy xin giới thiệu một số phát biểu tại phiên thảo luận này.

Trái tim nóng, cái đầu lạnh, bàn tay sạch

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Lâm Đồng

"Đối với Chính phủ mới người dân rất tin tưởng và kỳ vọng sẽ làm chuyển biến được tình hình kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới cử tri cũng đòi hỏi thành viên Chính phủ phải có trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và phải có bàn tay sạch thì mới điều hành đất nước được.

Nếu trái tim nóng bỏng nhưng cái đầu cũng nóng, quyết định sáng đúng chiều sai đến mai lại đúng thì rất gay cho nên phải có cái đầu lạnh toát để nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và phải có bàn tay sạch.

Thứ hai là phải tiêu diệt được tham nhũng. Nhân dân bảo chống là chưa đủ mà phải tiêu diệt được tham nhũng. Các bộ trưởng phát biểu rất hay trước báo chí, nhưng cử tri có gửi gắm là nếu như không thực hiện đúng lời hứa của mình thì phải thực hiện văn hóa từ chức, theo Điều 87 của Luật Tổ chức Quốc hội hoặc Điều 88, bỏ phiếu bất tín nhiệm các bộ trưởng nếu như không hoàn thành nhiệm vụ hứa trước cử tri".

Chuyển từ điều hành sang kiến tạo

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Thái Bình

"Cử tri rất hoan nghênh và rất kỳ vọng vào tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ, đã chọn ba giải pháp đột phá. Những vấn đề nêu lên của các đồng chí tân bộ trưởng vừa được Quốc hội bầu phát biểu với báo chí, chúng tôi theo dõi có rất nhiều điểm mới, có rất nhiều ý tưởng mà chúng tôi thấy nếu triển khai nhanh, có hệ thống thì sẽ giúp ngay được những giải pháp tình thế năm nay và tạo tiền đề cho lâu dài.

Tôi đề nghị Thủ tướng cũng như các bộ trưởng nên cụ thể hóa lời hứa đã nêu ra của mình, bằng các chương trình dài hạn và bằng các lộ trình cụ thể, trước mắt là ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong đời sống, trong sản sản xuất, kinh doanh và mọi hoạt động mà cử tri đã nêu và các đại biểu đã phát biểu.

Chúng tôi rất hy vọng và đồng tình với Thủ tướng cũng như Chính phủ trong việc thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI là biến Chính phủ từ cơ quan điều hành cụ thể chuyển dần sang cơ quan kiến tạo phát triển, giúp cho đất nước chúng ta phát triển nhanh, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững".

Nhanh chóng cắt cơn lạm phát

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, Bình Dương

"Trước hết, tôi muốn đề cập đến nguyên nhân của tình hình lạm phát. Báo cáo của Chính phủ có đoạn viết: nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.

Theo cách nhận định này, tác nhân chính bên trong do lạm phát cao là gói kích cầu, điều này có đúng không? Lúc này khi cả nước tập trung kìm chế lạm phát, nhận định nguyên nhân theo hướng đó liệu có ổn không?

Năm 2008 Chính phủ đề nghị gói kích cầu, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết với mức độ nhất trí rất cao và trong thực tế triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả nhất định.

Theo tôi, gói kích cầu không phải là tác nhân chính bên trong gây lạm phát cao, mà chính những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của chúng ta, cộng với khả năng quản lý, điều hành còn yếu kém đã đẩy lạm phát ngày càng lên cao.

Chúng ta phải xác định đúng nguyên nhân mới hy vọng có thể tập hợp được trí lực và hành động đúng hướng để nhanh chóng cắt cơn lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô".

Nhập siêu là gốc lạm phát

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, Long An

"Hiện nay chúng ta đang xác định, đưa ra những giải pháp để làm sao kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân gốc gây ra tình trạng lạm phát.

Cá nhân tôi cho rằng chính nhập siêu là nguyên nhân gốc tạo ra lạm phát. Cho nên việc thắt chặt tín dụng trong thời gian qua đã làm rất tích cực nhưng hiệu quả đạt được chưa cao vì chúng ta không giải quyết được tận gốc.

Đặc biệt trong nhập siêu năm 2010 thì 94,4% là nhập siêu từ Trung Quốc. Sáu tháng đầu năm 2011, chúng ta nhập siêu 7,4 tỷ USD thì trong đó 6,6 tỷ nhập siêu từ Trung Quốc, chiếm 88,4%.

Tôi rất tâm đắc với giải pháp mà Chính phủ đưa ra là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, theo tôi, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi và mạnh mẽ hơn, rằng dùng hàng Việt Nam là yêu nước. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm nhập khẩu về hàng nông sản thực phẩm và công bố rộng rãi cho bà con, cho toàn dân biết được thì chắc chắn cũng sẽ góp phần vào giảm nhập siêu về thực phẩm".

Quốc hội cũng cần có chính kiến

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Khánh Hòa

"Giải pháp thứ 8 Chính phủ nêu ra là tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết kịp thời phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đặt vấn đề, và người dân rất bức xúc trước việc ngư dân của chúng ta đánh bắt ở các ngư trường thì bị tàu nước ngoài xua đuổi. Tàu thăm dò dầu khí của chúng ta thì cũng bị họ cắt cáp, cùng rất nhiều hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo.

Chính phủ cũng đã có báo cáo và cũng đã có các chương trình để gắn việc phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Riêng đối với Quốc hội, tôi nghĩ cũng phải có một chính kiến.

Đề nghị Chính phủ báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế ở các vùng biển đảo như thế nào, để trên cơ sở ở đó chúng ta kết hợp được việc phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai vững chắc trên tuyến huyện đảo bằng các chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thì lúc đó tôi nghĩ người dân sẽ có nhiều điều kiện để thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc bám biển, để chúng ta giữ được chủ quyền biển đảo.

Nhân đây, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội cần đặt ra nhiều vấn đề như trong giải pháp thứ 8, trong đó vấn đề đặt ra nhiều nhất là nhân dân ta cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước cho đúng. Vừa rồi, chúng tôi rất buồn thấy một số thông tin cho rằng người dân như thế này, thế khác, rồi đó là tự phát hay tự giác... Tôi cho rằng cái này cũng là hành động để thể hiện tấm lòng yêu nước của người dân đối với chủ quyền biển đảo của chúng ta".