10:34 05/07/2017

Thủ tướng: "Gần 20 nghìn quy hoạch để làm gì?"

Linh Tâm

“Lạm phát” quy hoạch khiến ngân sách Nhà nước mất gần chục nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây.

Trong hai ngày 3-4/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Trong hai ngày 3-4/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Phiên họp Chính phủ ngày 4/7 về xây dựng thể chế, cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gay gắt yêu cầu, “phải sớm hoàn thiện Luật để trình Quốc hội thông qua. Hiện nay có tới gần 20 nghìn quy hoạch để làm gì? Hiệu quả thấp và rất tốn kém!”.

Hiệu quả thấp và rất tốn kém

“Hoàn thiện Luật Quy hoạch để chấm dứt tình trạng cái gì cũng quy hoạch, khiến Chính phủ mà lại đi bán bia, bán sữa...”, Thủ tướng nhấn mạnh, “không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch. Tuy không bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông... nhưng cần chọn cái gì cần quy hoạch để giảm số lượng quy hoạch hiện nay”.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có gần 20.000 quy hoạch riêng lẻ, trong đó có hơn 8.000 quy hoạch chỉ vẽ ra cho có, không bao giờ thực hiện.

Tình trạng “lạm phát” quy hoạch diễn ra khi mà bộ nào, ngành nào, tỉnh nào cũng làm quy hoạch khiến ngân sách Nhà nước mất gần chục nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây.

Yêu cầu phải sớm hoàn thiện Luật Quy hoạch, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời nhắc lại tình trạng một số thứ trưởng nói ngược với ý kiến mà Chính phủ đã thống nhất với dự án Luật này, và ông khẳng định rằng, “khi Chính phủ đã thống nhất ý kiến, nếu ai nói ngược sẽ bị kỷ luật”.

Dự án Luật Quy hoạch có lẽ là một dự án Luật có số phận trớ trêu nhất trong lịch sử lập pháp. Được cho ý kiến rất kỹ tại các phiên họp của Chính phủ, với những ý kiến còn khác nhau, Chính phủ đã tiến hành lấy phiếu các thành viên Chính phủ để đi đến thống nhất trước khi trình ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

Tuy nhiên, khi trình ra vào hồi tháng 1, một số thứ trưởng bỗng nhiên lại nói ngược hoàn toàn, khiến cho bộ chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phải thốt lên “tôi rất bất ngờ”.

Sau đó, ông Dũng nói thẳng luôn là, “một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó bị đụng chạm quyền lợi khi Luật Quy hoạch ra đời, mặt khác họ trì trệ, chậm thay đổi”.

Theo dự kiến, vào kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật này, song cuối cùng, vì nhiều lý do khác nhau, việc thông qua này phải tạm hoãn sang kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới.

Cũng trong phiên họp ngày 4/7, Chính phủ đã nghe báo cáo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch.

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, “việc xây dựng thể chế, luật pháp là vấn đề quan trọng, vì nếu thể chế cứ ràng buộc, không tạo điều kiện theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì xã hội không phát triển được”.

Xung quanh các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, theo Thủ tướng, tạo sự thông thoáng trong thương mại là yêu cầu rất lớn hiện nay.

Trừ lĩnh vực mà Quốc hội, Chính phủ có ý kiến chính thức về điều kiện kinh doanh, còn lại các bộ, ngành, địa phương không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư.

Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại một số nội dung, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc Hội xem xét chỉnh sửa. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải công bố suất đầu tư làm 1km đường để xem làm đường ở Việt Nam đắt hay rẻ...

Vẫn còn xu hướng cục bộ

Theo Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng qua, về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ tiếp tục xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Trong 6 tháng, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến 11 dự án luật, dự thảo Nghị quyết, đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 8 dự án, dự thảo; ban hành 73 nghị định, 21 quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực theo thẩm quyền, trong đó hoàn thành việc ban hành 24 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, không còn nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng.

Ban hành 35 nghị quyết, 26 chỉ thị, 9.388 văn bản chỉ đạo điều hành khác để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cụ thể. Thực hiện rà soát tổng thể pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; quyết tâm sửa đổi tổng thể các quy định gây vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bước đầu đã xác định sửa đổi 30 nghị định liên quan.

Chính phủ nhìn nhận, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế chậm được khắc phục, nhất là vướng mắc, chồng chéo giữa văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản. Nội dung văn bản còn xu hướng cục bộ, bảo vệ lợi ích ngành, chưa thực sự tháo gỡ cho đối tượng chịu sự tác động...