15:51 26/07/2016

Thủ tướng tái đắc cử và những thông điệp đáng chú ý

Nguyên Vũ

Phát biểu nhậm chức của Thủ tướng dài hơn nhiều phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều thông điệp sau khi tuyên thệ nhậm chức chiều 26/7.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều thông điệp sau khi tuyên thệ nhậm chức chiều 26/7.<br>
“Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách, để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau khi tuyên thệ nhậm chức chiều 26/7.

Phát biểu nhậm chức của ông dài hơn nhiều so với Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá 14, Thủ tướng nói: “Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Có trách nhiệm với từng đồng thuế

Vấn đề tiếp theo được người đứng đầu Chính phủ đề cập là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài...

“Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển nhanh và bền vững, theo Thủ tướng, phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ. Đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng.

“Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Nguyễn Trãi đã từng nói: “Nước Đại Việt ta, hào kiệt không bao giờ thiếu”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng nói tiếp.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; lo tốt hơn điều kiện ăn ở, đi lại cho các cháu ở vùng sâu vùng xa. Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài.

“Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”, ông nói.

Formosa là bài học sâu sắc

“Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập, nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu.

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ phải cải thiện tình trạng này, tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất.

Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông nhấn mạnh, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống  tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh.
 
“Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay”, Thủ tướng nói tiếp.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Thủ tướng cũng thể hiện quyết tâm kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình.

Đồng thời, phải tích cực, chủ động trong đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

“Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn”, Thủ tướng phát biểu.