10:26 20/09/2011

Tích tụ ruộng đất: Còn xa đường đến “giấc mơ” đại điền

Đoàn Trần

Gần 10 năm trở lại đây, vấn đề tích tụ ruộng đất tại Việt Nam được đề cập khá nhiều, nhưng với nhiều lo lắng và có phần né tránh

Hai “nút thắt” lớn nhất đang tồn tại hiện nay trong vấn đề tích tụ ruộng đất là nên tích tụ theo hình thức mua đất hay thuê đất, và xử lý vấn đề lao động nông nghiệp thế nào khi họ rút ra khỏi thị trường này? - Ảnh: Reuters.
Hai “nút thắt” lớn nhất đang tồn tại hiện nay trong vấn đề tích tụ ruộng đất là nên tích tụ theo hình thức mua đất hay thuê đất, và xử lý vấn đề lao động nông nghiệp thế nào khi họ rút ra khỏi thị trường này? - Ảnh: Reuters.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuỗi ngày làm việc tại An Giang, Kiên Giang hồi cuối tháng 8 vừa qua, cũng như trong các cuộc làm việc với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuần trước, đều bày tỏ mối quan tâm lớn của ông về vấn đề tích tụ ruộng đất.

Theo Tổng bí thư, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành này, thì việc tích tụ ruộng đất là cần thiết, là quy luật tất yếu phải đi. Tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn đã được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn (tam nông) để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tích tụ ruộng đất cũng được xem là một quá trình tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá, và như nhận xét của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, “quốc gia nào xử lý được vấn đề tích tụ ruộng đất thì sẽ tiến hành công nghiệp hóa thành công, còn các quốc gia nào không xử lý được, thì rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

Gần 10 năm trở lại đây, vấn đề tích tụ ruộng đất tại Việt Nam được đề cập khá nhiều, nhưng với nhiều lo lắng và có phần né tránh, vì một loạt những băn khoăn như nếu không tiến hành thận trọng, tích tụ ruộng đất sẽ trở thành như bắt bí hộ đói nghèo để mua được đất giá rẻ, hoặc thu hồi đất “bờ xôi, ruộng mật”, lập dự án treo, hay phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó; hay có thể làm nẩy sinh tầng lớp địa chủ mới...

Chính vì thế, nhìn trên tổng thể, việc tích tụ ruộng đất vẫn đang là một bức tranh manh mún và còn quá nhiều rào cản trên con đường đến giấc mơ đại điền của người nông dân.

Hai “nút thắt” lớn nhất đang tồn tại hiện nay trong vấn đề tích tụ ruộng đất là nên tích tụ theo hình thức mua đất hay thuê đất, và xử lý vấn đề lao động nông nghiệp thế nào khi họ rút ra khỏi thị trường này? Chỉ riêng đối với vấn đề nên mua đất hay chỉ là cho thuê đất, đã là vấn đề quá khó, khi vừa muốn đảm bảo yêu cầu nông dân không bị áp lực bởi nỗi lo “không tấc đất cắm dùi”, vừa đảm bảo yêu cầu sớm tích tụ đất đai để tổ chức được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hàng hóa.

Những người tán thành quan điểm bán cho rằng có tích tụ theo cách đó, mới có thể yên tâm sản xuất bền vững, chứ  nếu chỉ là thuê thôi, thì tâm lý cũng không thể muốn gây dựng lâu dài trên mảnh đất đó. Thực tế, việc tích tụ ruộng đất diễn ra trong thời gian qua chủ yếu là theo hình thức này.

Nhưng luồng quan điểm nên “cho thuê”, như ý kiến của TS. Trần Du Lịch: “Đây là cách để nông dân “có chỗ lui về” không mất trắng đất - ít nhất là  về mặt tâm lý”. Giáo sư Trần Đình Long cũng chung quan điểm như vậy. Ông nói: “Thực trạng tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa hiện nay đã làm cho nhiều hộ nông dân mất đất, trắng tay. Vì vậy, một chính sách cần thiết lúc này là làm sao để nông dân cho thuê đất chứ không bán đất. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng kênh mương, cây giống và tổ  chức sản xuất, nông dân được thuê làm việc trên chính thửa ruộng của mình. Vậy nông dân vẫn còn sổ đỏ, có thu nhập, có công việc; doanh nghiệp có diện tích lớn sẽ sản xuất kinh doanh hiệu quả”.

Và dù bán, hay thuê thì nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng cho rằng: “Việc tích tụ ruộng đất như thế nào là vấn đề khó. Vì theo đặc điểm của người nông dân phương Đông, ruộng đất đeo đuổi với họ như hình với bóng”.

Nhìn vào khả năng thực hiện chủ trương tích tụ đất đai, TS. Đặng Kim Sơn đã phải sử dụng rất nhiều chữ “nếu”: “Ở miền Nam, nếu thị trường phát triển tốt, luật pháp cho phép nông dân tích tụ ruộng đất, giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn hiện nay, thì khả năng tích tụ là có. ở miền Bắc tình hình khó hơn khi lao động nông nghiệp rời khỏi nông thôn, không bước được vào thị trường lao động chính thức. Họ làm nghề chạy xe ôm, cửu vạn, giúp việc, thợ xây... ở thành phố, tất cả những nghề đó không có hợp đồng, không có bảo hiểm, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đuổi việc. Vì thế họ sống chết giữ mảnh đất đó để đề phòng cơ nhỡ. Như thế, mảnh đất đó vừa không sinh lợi, lại không được tích tụ lại vào tay người thật sự sản xuất. Chính vì thế, đối với miền Bắc, muốn xử lý thị trường đất đai thì phải xử lý được thị trường lao động. Chừng nào, người nông dân đi được vào thị trường lao động chính thức, thì chừng đó đất đai ở nông thôn mới tích tụ được, và việc dồn điền đổi thửa mới thành công”.

Trong quá trình sửa Luật Đất đai tới đây, nhiều người kỳ vọng những vướng mắc về sử dụng đất sẽ được giải quyết về căn bản, giúp cho quá trình tích tụ ruộng đất được thuận lợi.