08:37 30/03/2013

“Tiếp tục nghiên cứu” hạ lãi suất, giảm thuế

Trang Anh

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - ảnh: Chinhphu.vn.<br>
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - ảnh: Chinhphu.vn.<br>
“Chính phủ giao các bộ, ngành, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ khó khăn như hạ lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”.

Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt tại buổi họp báo, chiều 29/3.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất là diễn biến kinh tế đúng như chúng ta định hướng, trong đó quyết tâm từ năm ngoái là làm sao năm nay, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn. Qua 3 tháng, dù có nhiều khó khăn, đặc biệt có nghỉ tết dài, tăng trưởng đã cao hơn cùng kỳ năm trước, 4,89% so với 4,75%. Tuy rằng, mức tăng cao hơn không nhiều nhưng lạm phát đã được kiềm chế, quý 1/2013 chỉ số CPI thấp hơn so với cùng kỳ.

Một tín hiệu đáng mừng khác là xuất khẩu vẫn tăng, năm ngoái xuất khẩu tăng chủ yếu là khối đầu tư nước ngoài, còn khối doanh nghiệp trong nước không những không tăng mà thậm chí còn giảm, nhưng quý 1/2013 vừa qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp năm ngoái phải dừng hoạt động do khó khăn thì năm nay qua theo dõi, qua nộp thuế thì tại Tp.HCM đã có trên 60% đã quay trở lại hoạt động.

“Điều đó đúng như dự báo tình hình có tốt hơn nhưng mức độ không nhiều, nếu chúng ta không quyết tâm mạnh mẽ hơn, thì chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm sẽ không dễ dàng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, nhưng theo dõi kỹ bảng cân đối trong tăng trưởng GDP thì sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thấp hơn cùng kỳ, dịch vụ tăng cao hơn. Đáng lưu ý, nông nghiệp, từ mấy năm nay là chỗ dựa vững chắc, thì bây giờ bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, có khó khăn do thời tiết, do thị trường; công nghiệp, xây dựng cũng tương tự. Đó là những điểm điểm hạn chế mà Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ trong điều hành.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, có điều đáng lo là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng không nhiều, số lượng doanh nghiệp mới lâm vào khó khăn, đình trệ sản xuất còn lớn. Nhìn tổng thể lại chúng ta có những tín hiệu mừng xen lẫn những bất cập, đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực.

Nói về điều hành từ nay đến hết năm 2013 của Chính phủ, Bộ trưởng Đam cho biết, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục bám sát mục tiêu đề ra, không thể chủ quan với điều hành tiền tệ, tài khoá, giá cả bởi lạm phát luôn có nguy cơ tăng nhanh trở lại.

Đặc biệt, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất giao cho các bộ, ngành tiếp tục để kỳ tới đây sẽ có những giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ hơn về thuế, sau khi đã có Nghị quyết 02 với một số chính sách giảm, giãn, miễn một số sắc thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao các bộ, ngành, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, vừa bảo đảm cân đối ngân sách, không để tăng thâm thủng ngân sách nhưng cơ bản nhất là phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Về tiền tệ, tín dụng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lứu ý, qua quá trình thực hiện các giải pháp đồng bộ về kiềm chế lạm phát, chúng ta có cơ sở yêu cầu các ngân hàng giảm tiếp lãi suất. Chính phủ đã thảo luận và kiên định mục tiêu này làm sao để  lạm phát về mức bình thường để chi phí vốn cho doanh nghiệp ở mức bình thường.

“Chính phủ nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước không chỉ hạ lãi suất huy động mà điều quan trọng cuối cùng là lãi suất cho vay. Đồng bộ với các giải pháp đó, làm sao không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mà quan trọng hơn là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn không chỉ năm nay. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, làm cho tái cơ cấu đi vào từng doanh nghiệp, từng địa bàn, từng chính sách cụ thể”, Bộ trưởng Đam kết luận.