10:14 27/01/2011

Tp.HCM khan hiếm lao động phổ thông

Hoa Minh

Theo dự báo, nguồn cung nhân lực tháng 2/2011 và trong quý 1 chưa cân đối với nguồn cầu

Năm 2011, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM có nhu cầu tuyển dụng trên 265.000 lao động.
Năm 2011, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM có nhu cầu tuyển dụng trên 265.000 lao động.
Theo kế hoạch, năm 2011, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM có nhu cầu tuyển dụng trên 265.000 lao động kể cả lao động thay thế và lao động tuyển mới (khoảng 120.000 chỗ làm việc mới). Trong số đó, lao động phổ thông chiếm trên 45%, tức khoảng trên 120.000 người.

Hầu hết các ngành, nghề đều có một lực lượng nhất định lao động phổ thông đan xen vào, tùy mức độ ít nhiều mà ngành, nghề đó yêu cầu, trừ một số ngành đặc thù không có lao động phổ thông như lao động công nghệ cao, kỹ thuật cao... Theo đó, những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực trong năm 2010 như marketing, dịch vụ, phục vụ, vệ sinh công nghiệp... sẽ tiếp tục phát triển.

Theo kết quả khảo sát từ 6.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (FALMI), những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong năm 2011 gồm: cơ khí, điện - điện tử, dệt may - giày da, trang trí nội thất, chế biến thực phẩm, quản lý điều hành, nhân sự, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất, xây dựng - kiến trúc...

Cụ thể: ngành marketing - nhân viên kinh doanh cần 43.211 người, dệt may - giày da - nhựa - bao bì cần 38.425 người, dịch vụ - phục vụ - du lịch - khách sạn- nhà hàng cần 31.111 người, điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin cần 22.260 người... Riêng trong tháng 1/2011, kết quả khảo sát 2.023 doanh nghiệp từ FALMI cho thấy nhu cầu của tháng đầu năm đã là 20.474 chỗ làm việc.

Những ngành nghề được dự báo sẽ thiếu nguồn lao động phổ thông trầm trọng trong năm 2011, nhất là trong quý 1 như: dệt may - giày da, nhựa - bao bì, cơ khí, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất - xây dựng, chế biến thực phẩm, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dịch vụ và phục vụ, tư vấn - bảo hiểm...

Có thể ghi nhận được điều này qua các bảng thông báo tuyển dụng. Như Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Thủ Đức) tuyển nữ lao động phổ thông, không giới hạn số lượng. Công ty thời trang Táo (Quận 12) tuyển hơn 800 công nhân. Công ty Chí Đạt (Quận 12) cần hơn 500 công nhân.

Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp Tp.HCM (Hepza) cũng vừa thông báo tuyển 2.000 công nhân ngành bao bì, may công nghiệp... Để thu hút lao động, các công ty đưa ra chính sách hấp dẫn như Công ty thời trang Táo có mức lương từ 2,5-4,5 triệu đồng, có phụ cấp nhà trọ, xăng... Còn Công ty Chí Đạt đưa ra mức lương từ 3-5,5 triệu đồng, kèm theo phụ cấp phúc lợi, cơm trưa...

Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm việc làm của Hepza, ngoài hưởng thu nhập từ 2,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca) và hưởng các chế độ, lao động ở tỉnh đến làm việc tại công ty được thanh toán tiền xe, có nhà lưu trú cho công nhân hoặc phụ cấp nhà trọ.

Do mức lương hiện có của lao động phổ thông không bù nổi chi phí sinh hoạt gia tăng nên nhiều lao động về quê ăn Tết không trở lại thành phố làm việc. Đây là “điệp khúc” tái đi tái lại hàng năm vào sau mỗi dịp nghỉ Tết dài ngày.

Năm 2011 này, theo FALMI, ước tính trong tháng 2/2011 nhu cầu tuyển dụng khoảng 40.000 chỗ làm việc. Vào thời điểm này, sẽ có nhiều doanh nghiệp thông tin tuyển dụng số lượng lớn lao động để chuẩn bị cho việc bù đắp nhân sự sau Tết Nguyên đán và nhu cầu cả năm.

FALMI cũng dự báo, nguồn cung nhân lực tháng 2/2011 và trong quý 1 chưa cân đối với nguồn cầu, nhất là lao động phổ thông và sơ cấp nghề trong những ngành nghề thâm dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp và các tổ chức giới thiệu việc làm nhận định, mức độ đáp ứng nhu cầu lao động tính chung trong quý 1/2011 có khả năng không đáp ứng so với nguồn cầu ở mức từ 30-35%. Tuy nhiên, tình hình khan hiếm động đến quý 2 trở đi có thể ổn định hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu chung của thị trường lao động.

Theo chuyên gia lao động Trần Anh Tuấn, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động và phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, cần tiếp tục phát triển chương trình tái cấu trúc nền kinh tế gắn tái cấu trúc nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển chung của thành phố, nhất là những ngành, nghề thâm dụng lao động (có nhiều lao động phổ thông).

Đối với công tác đào tạo, ông Tuấn cho rằng cần phải chú trọng định hướng các trường dạy nghề xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra chung cho từng ngành đáp ứng được yêu cầu xã hội. Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ thông tin với các cơ quan quản lý và phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực của mình, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, hoặc thông tin tuyển dụng mà cơ quan nhà nước chưa quản lý được chặt chẽ nhu cầu và thông tin kể cả chính sách sử dụng lao động.

Vấn đề tiền lương, thu nhập của người lao động cũng là yêu cầu luôn cần các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của Nhà nước và sự quan tâm cải thiện của doanh nghiệp để thu hút và ổn định lực lượng lao động làm việc tại thành phố.