16:26 20/12/2009

Trái phiếu Chính phủ và câu hỏi về kỷ luật tài chính

Nguyễn Lê

Kỷ luật tài chính không nghiêm đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ?

Vốn trái phiếu Chính phủ được đầu tư cho các công trình phục vụ dân sinh.
Vốn trái phiếu Chính phủ được đầu tư cho các công trình phục vụ dân sinh.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng qua, từ năm 2003 đến hết 2009, số vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí cho các công trình, dự án trong danh mục là hơn 112 nghìn tỷ đồng.

Nếu tính cả phần vốn dự kiến bố trí kế hoạch năm 2010 thì mức vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các công trình giao thông, thủy lợi và các dự án di dân tái định cư thủy điện là gần 156.000 tỷ đồng.

Đầu năm nay, vào cuối tháng 2, cũng tại báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tính toán, nhu cầu nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2003-2010 và một số năm sau là 385.414 tỷ đồng.

Báo cáo này cũng cho biết, trong giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ có 5/181 dự án cơ bản hoàn thành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 19/62 dự án cơ bản hoàn thành.

Riêng trong năm 2008, kết quả giải ngân đạt khoảng 21.342,4 tỷ đồng, bằng 73,4 % kế hoạch. Trong đó kết quả giải ngân các dự án y tế tuyến huyện chỉ đạt 24,3% kế hoạch, các dự án giáo dục cũng chỉ đạt 41% kế hoạch.

Còn tại báo cáo mới nhất đã nói ở trên, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ tập hợp từ các bộ, ngành, địa phương trong năm 2010 khoảng 114.000 tỷ đồng. Tức là cao gấp hai lần mức vốn đã được Quốc hội thông qua và cao hơn cả mức vốn được phê duyệt trong giai đoạn 2003 – 2010.

Tuy nhiên, số vốn 64.000 tỷ đồng của năm 2009 hết tháng 10 cũng mới giải ngân được 47,5%. Riêng giai đoạn 2003 – 2010, không có một đánh giá khái quát nào về tình hình sử dụng nguồn vốn này tại bản. Song, nhìn vào tình hình cụ thể của các dự án  do từng bộ ngành quản lý, có thể thấy không ít các dự án đã được phê duyệt từ năm 2006 đến nay vẫn bất động.

Và, những con số cụ thể đó đã khiến nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể không đặt vấn đề xem lại kỷ luật tài chính cùng kỷ luật hành chính.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng Quốc hội đã tạo điều kiện hết sức về vốn trái phiếu nhưng việc phân bổ dàn trải, dẫn đến nhiều công trình dở dang, kém hiệu quả. Theo ông Đàn, đó là do “Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nể nang các tỉnh và khuyết điểm này của cả Trung ương trong chỉ đạo chứ không riêng địa phương”.

Nêu thực tế có địa phương có đến 3 nhà thầu cùng thi công đoạn đường chỉ dăm, bảy km, Chủ nhiệm Đàn thấy “rất lạ đời” khi nghe chuyện “có anh nói với tỉnh là anh cứ cho tôi làm công trình rồi tôi đi xin vốn trái phiếu Chính phủ”.

Phải “chiếu tướng” một số chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và siết chặt các giải pháp phân bổ, sử dụng vốn, ông Đàn đề nghị.

Dẫn con số năm  2008 thừa 8.000 tỉ đồng chuyển sang 2009, năm 2009 dự kiến chuyển tiếp 10.000 tỉ đồng sang 2010, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: Trong khi giải ngân chậm, có hiện tượng thừa vốn thì nhiều dự án lại đang đói vốn hoặc không được cấp vốn kịp thời. Lỗi của ai? Vốn chậm rõ ràng lỗi tại bộ, ngành, địa phương làm chậm. “Đây là điều đáng buồn trong kỷ luật tài chính” ông Thuận gay gắt.

Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cũng khẳng định “kỷ luật tài chính không nghiêm túc, phải kiểm điểm trách nhiệm ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện không tốt”.

Ông tỏ ra hết sức sốt ruột trước những con số chỉ có mấy phần trăm của một số tỉnh trong giải ngân vốn trái phiếu cho các dự án y tế, giáo dục. “Có mấy chục tỷ đồng mà cứ xì xoẹt, tại năng lực hay tại đâu thì báo cáo rõ, sao kêu thiếu vốn mà triển khai cứ chậm”.

Cũng liên quan đến kỷ luật tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đồng tình phải kiểm điểm cần làm rõ nguyên nhân, kể cả nguyên nhân từ chính sách và tổ chức thực hiện.

Theo ông, cùng một cơ chế nhưng có những địa phương tiến độ giải ngân vẫn nhanh. Như vậy, hạn chế rõ ràng là ở khâu tổ chức thực hiện.

“Mổ xẻ” cặn kẽ “căn bệnh nan y” trong phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nhiều năm, Chủ nhiệm Thuận cho rằng phải tính kỹ về khả năng hấp thụ vốn. Ông cho rằng năm nay chỉ có thể giải ngân được 46.000 tỷ đồng thì năm 2010 chưa chắc cần phân bổ 56.000 tỷ mà có thể chỉ cần 50.000 tỷ. Theo ông, tăng vốn là nguyên nhân tăng ICOR tăng. Vì thế ông đề nghị chỉ nên tính toán trong phạm vi 56.000 tỷ đồng Quốc hội đã quyết.

“Chính phủ mong muốn nhưng địa phương không làm nổi thì thành trò đùa, kỷ luật tài chính được chăng hay chớ, nhưng đằng nào Chính phủ và Quốc hội cũng vẫn cho qua thì không thể được”, ông Thuận thể hiện quan điểm.