18:11 23/01/2013

Triển khai quy định mới về chống tham nhũng: Sao chậm thế?

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sốt ruột về tiến độ triển khai thực hiện các quy định mới về phòng chống tham nhũng

Nghị quyết 37 yêu cầu ngay trong năm 2013 phải tạo được sự chuyển biến 
rõ rệt, tạo đà ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật, tội phạm,
 tham nhũng trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết 37 yêu cầu ngay trong năm 2013 phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tạo đà ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng trong những năm tiếp theo.
Luật có hiệu lực từ 1/2/2013 mà đến tận tháng 3/2013 vă bản hướng dẫn mới được trình Chính phủ, sao chậm thế? Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu không giấu được sự sốt ruột khi điều hành hội nghị triển khai thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị quyết số 37/2012/QH về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của viện kiểm sát nhân dân, của tòa án nhân dân và công tác thi hành án, sáng 23/1.

Với nghị quyết 37, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động Quốc hội có nghị quyết riêng đề cập đến nhiều mặt của lĩnh vực tư pháp.

Còn với luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng, được Quốc hội gấp rút thông qua trong một kỳ họp cuối năm 2012 và sẽ có hiệu lực từ 1/2 năm nay, hy vọng tạo sự chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng được gửi gắm tại đây cũng không nhỏ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đến tháng 2 và tháng 3/2013 mới được trình Chính phủ, và chưa rõ thời gian sẽ ban hành chính thức.

Một thay đổi rất căn bản của luật mới là không giữ quy định hiện hành về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mà ban này sẽ thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu.

Song theo giải thích của ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương tại hội nghị, đề án kiện toàn nhân sự của cơ quan này hiện vẫn đang chờ phê duyệt. Về nguyên tắc, khi luật có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới thì Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhưng cơ quan thường trực, tham mưu là Ban Nội chính  sẽ phải chờ đến khi nào đề án được Ban Bí thư phê duyệt thì mới hoạt động được, ông Tuấn nói.

Và, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo rằng với số lượng biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ kiểm sát cũng như điều kiện về cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn như hiện nay thì rất khó khăn trong việc thực hiện nghị quyết 37.

Trong khi, Nghị quyết 37 yêu cầu ngay trong năm 2013 phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tạo đà ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng trong những năm tiếp theo.

Bởi thế, sự sốt ruột không chỉ thể hiện ở người điều hành hội nghị mà còn ở khá nhiều các phát biểu khác.

Nhấn mạnh sửa luật cũng để tăng hiệu quả phòng chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị Thanh tra Chính phủ phải có chỉ thị để nâng cao trách nhiệm toàn ngành trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi, 3 tháng mà chưa có hướng dẫn thì bao giờ mới có thể triển khai thực hiện luật?

Nhấn mạnh hạn chế ở khâu phát hiện tội phạm tham nhũng, nhưng nghe báo cáo của các hữu quan tại hội nghị, ông Hiện cho rằng chỉ nói là cố gắng phát hiện nhiều hơn, xử lý nghiêm hơn thì quá chung chung, điều quan trọng là biện pháp thực hiện thế nào thì chưa rõ.

Chủ nhiệm Hiện cũng rất thẳng thắn đề nghị không nên nói rằng biên chế như thế, tiền lương như vậy thì khó thực hiện nghị quyết, vì chỉ tiêu tại nghị quyết cũng không quá cao so với điều kiện hiện có.

Nhắc lại thời hạn có hiệu lực của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng từ 1/2/2013, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các văn bản hướng dẫn “có muộn cũng rất ít thôi, tháng 3 là quá muộn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, tạo cho được chuyển biến tích cực, rõ rệt ngay trong năm 2013 là yêu cầu của nhân dân với các ngành công an, tòa án, tư pháp, thanh tra và các ngành hữu quan, nhất là đối với phòng chống tội phạm tham nhũng, lãng phí.