08:13 06/04/2016

Trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Lê

8h sáng nay (6/4), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu tại hành lang Quốc hội.<br>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu tại hành lang Quốc hội.<br>
8h sáng nay (6/4), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tờ trình nêu rõ, ông Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 11 - được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Thủ tướng tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 13. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Nay, do nhu cầu bố trí sắp xếp bộ nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ  máy nhà nước và công tác cán bộ, căn cứ nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, căn cứ điều 88 Hiến pháp, điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Sau khi nghe tờ trình của Chủ tịch nước, các vị đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn về vấn đề này. 

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận và Chủ tịch nước sẽ giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.Việc bỏ phiếu miễn nhiệm sẽ diễn ra tiếp đó.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu và Quốc hội thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để bầu Thủ tướng mới.

Ông Nguyễn Tấn Dũng - người được trình Quốc hội miễn nhiệm - năm nay 67 tuổi.

Theo tiểu sử được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng đương nhiệm tham gia cách mạng từ năm 1961, 4 lần bị thương, là thương binh loại 2/4.

Ông là đại biểu Quốc hội 4 khoá liền, từ khoá 10 đến khoá 13, Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá 6 đến khoá 11, Ủy viên Bộ Chính trị từ khoá 8 đến khoá 11.

Trước khi làm Thứ trưởng Bộ Công an (1/1995 – 5/1996), ông là Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang.

Từ tháng 6/1996 đến 8/1997, ông là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng.

Từ tháng 9/1997 đến tháng 6-2006, ông là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, năm 1998-1999 kiêm nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.

Từ tháng 7/2006 đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ. 

Trong Đại hội 12 của Đảng vừa qua, nhân sự trình Đại hội để bầu vào Ban Chấp hành khóa mới không có tên ông, tuy nhiên tại Đại hội, ông được giới thiệu bổ sung. Sau đó ông xin rút, và được Đại hội chấp thuận.

Đầu kỳ họp này của Quốc hội, trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, ông nói: Thủ tướng đã nỗ lực cao nhất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, các phiên họp trước thềm phiên miễn nhiệm Thủ tướng, ông vẫn tham dự họp bình thường, vui vẻ trò chuyện và chụp ảnh cùng các vị đại biểu khác.

Trong một lần trò chuyện với báo chí, ông nói, vẫn còn trăn trở khi rời cương vị. Nghỉ hưu phải là công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm được nhiều việc tử tế, làm người tử tế, sống tử tế. Và, tùy hoàn cảnh mà đóng góp sức mình chứ không nhất thiết là đóng góp trực tiếp với Chính phủ.

Trong 10 năm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tới hơn 4 lần. Nếu như năm 2006, quy mô GDP chưa đến 1 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2015, quy mô của nền kinh tế đã lên tới gần 4,2 triệu tỷ đồng.