17:11 10/06/2014

Trồng lúa lãi 30% vẫn chỉ là “giấc mơ”

Nguyên Hà

Kết quả giám sát việc giải quyết khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã được gửi đến Quốc hội

Trong năm 2013, cả nước đã gieo trồng được 7,9 triệu ha lúa, năng suất 
trung bình đạt 55,8 tạ/ha, với tổng sản lượng lúa thu được là 44,05 
triệu tấn - Ảnh: Reuters.<br>
Trong năm 2013, cả nước đã gieo trồng được 7,9 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 55,8 tạ/ha, với tổng sản lượng lúa thu được là 44,05 triệu tấn - Ảnh: Reuters.<br>
Bảo đảm cho người nông dân sản xuất lúa có lãi 30% so với giá thành sản xuất là thông tin đã được cả Chính phủ, Quốc hội nhắc đến rất nhiều lần tại nghị trường.

Cử tri nhiều địa phương liên tục trong nhiều kỳ họp của Quốc hội cũng gửi không ít kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất lúa gạo ổn định sản xuất và đời sống.

Nhưng, “giấc mơ” lãi 30% từ trồng lúa vẫn còn xa ngái, theo thông tin từ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khó khăn trong việc sản xuấtvà tiêu thụ lúa gạo để bảo đảm cho người trồng lúa có lãi trên 30% vừa được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền ký, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đoàn giám sát cho biết, hàng năm Việt Nam sản xuất được khoảng 44 triệu tấn thóc, trong đó 1 triệu tấn làm giống, 20 triệu tấn làm lương thực cho người, 1 triệu tấn dự trữ và 15 triệu tấn thóc để xuất khẩu.

Trong năm 2013, cả nước đã gieo trồng được 7,9 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 55,8 tạ/ha, với tổng sản lượng lúa thu được là 44,05 triệu tấn. Về diện tích gieo trồng và sản lượng lúa tăng hơn so với năm 2012, nhưng năng suất lại giảm hơn so với năm trước.

Canh tác manh mún, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn, khoảng 65% phân đạm, 35% phân lân và 100% phân kali, giá cả tăng cao, nên người dân còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, kết quả giám sát cho thấy.

Đáng chú ý, dù xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới song cho đến nay, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo cho mình trên thị trường quốc tế. Việc buôn bán ra thị trường bên ngoài gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải chịu thua thiệt, giá bán rẻ hơn so với giá gạo cùng loại của các nước trong khu vực, báo cáo nêu.

Vì vậy, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là người nông dân sản xuất lúa tuy đời sống đã được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh và còn khoảng cách xa so với lao động trong một số ngành nghề khác.
 
Liên quan đến việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ” đầu vào” cho sản xuất  lúa, gạo báo cáo đưa con số trong 3 năm từ 2011 đến 2013, Nhà nước đã hỗ trợ được 11.082,6 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất lúa.

Với chính sách hỗ trợ “đầu ra” đoàn giám sát nhận định với nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, tìm kiếm thị trường, cơ bản đã tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho nông dân. Sản lượng suất khẩu gạo đạt từ 6,6 đến 8 triệu tấn/năm, chiếm khoảng từ 20-25% sản lượng thóc trên cả nước, với kim ngạch xuất khẩu thu được mỗi năm đạt từ 2,92 - 3,67 tỷ USD.

Song, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, việc xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa hiện nay còn nhiều bất cập, mới chủ yếu được điều tra chi phí sản xuất tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long là chưa phù hợp và không sát với thực tế sản xuất lúa gạo của từng địa phương.

Đáng chú ý là việc bảo đảm cho người nông dân sản xuất lúa có lãi mới chỉ đạt được ở một số địa phương và không đồng đều giữa các địa phương khác nhau.

Theo số liệu tổng hợp của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo cụ thể về vấn đề này cho thấy, có tới trên 42% số địa phương người nông dân sản xuất lúa có lãi dưới 30%, có địa phương chỉ lãi trên 10%, cá biệt có địa phương người nông dân sản xuất lúa chưa có lãi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền báo cáo Quốc hội.

Trong số nhiều nguyên nhân, đoàn giám sát cho rằng hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực sự góp phần định hướng được cho sản xuất, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do hạn mức đất được giao quá thấp, khó có thể sản xuất hàng hóa, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa bền chặt.

Bên cạnh đó, chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo là một chủ trương đúng nhưng việc tổ chức thực hiện còn hạn chế. Có ý kiến cho rằng, người nông dân nói chung ít được hưởng lợi, mà thương lái trung gian mới là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ chính sách này. Trong một số trường hợp, khi có chủ trương thu mua tạm trữ lúa thì mùa vụ thu hoạch lúa phần lớn đã qua, lượng lúa trong dân  không còn nhiều.

Để “giấc mơ” lãi 30% từ sản xuất lúa không còn quá xa, đoàn giám sát đã nêu nhiều kiến nghị. Trong đó có việc nghiên cứu thành lập quỹ bình ổn giá nông, thủy sản nói chung và giá lúa gạo nói riêng.

Đồng thời thực hiện trợ giá khi thị trường có biến động xấu, hoặc hỗ trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua dự trữ sản phẩm nông, thủy sản để tiêu thụ sản phẩm của nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các rủi ro gây ra.