21:04 10/10/2011

Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế

P.V

Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tình hình đất nước hiện nay và dự báo sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tình hình đất nước hiện nay và dự báo sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường.
Nguồn tin từ TTXVN cho biết, ngày 10/10, hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã bế mạc sau hơn 4 ngày làm việc. Một nội dung mới rất quan trọng được hội nghị Trung ương lần này xem xét và quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cụ thể, trong 5 năm tới, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Trung ương còn lưu ý, nhấn mạnh định hướng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh lương thực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh năng lượng và giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ban chấp hành Trung ương cũng khẳng định sự đúng đắn của Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và chỉ rõ, trong năm 2012 cần tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu, chính sách và biện pháp nêu trong Kết luận và Nghị quyết, trước hết là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chính sách tài khóa thắt chặt, thực hiện nghiêm việc cắt giảm và chấn chỉnh đầu tư công, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ có chọn lọc cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm tới, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tình hình đất nước hiện nay và dự báo sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường. Tổng bí thư yêu cầu ngay sau hội nghị, Ban cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Quốc hội cần khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương, hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo kế hoạch để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại 5 kết quả chủ yếu, nổi bật của hội nghị, trong đó chỉ rõ với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, hội nghị đã thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội đất nước, nguyên nhân của những khó khăn, thách thức hiện nay và xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Ban chấp hành Trung ương đã ghi nhận một số kết quả bước đầu quan trọng, tốc độ tăng GDP 9 tháng của năm 2011 đạt 5,76%, cả năm ước đạt 5,8-6%; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực và xuất khẩu gạo...

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn.

Việc thực hiện các chủ trương của Đại hội 11 về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập. Tai nạn và ùn tắc giao thông chưa giảm, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; số vụ tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Hội nghị đã chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; đồng thời do những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản...

Hội nghị đã nhất trí cao về định hướng các giải pháp chủ yếu mà cả hệ thống chính trị phải đồng tâm hiệp lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Để bảo đảm an ninh lương thực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, có chính sách điều tiết ngân sách hợp lý đối với vùng đồng bằng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long để các vùng này chuyên tâm sản xuất, chế biến lúa gạo và các mặt hàng nông sản, thực phẩm khác, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Hội nghị cũng đã cho ý kiến hoàn chỉnh và quyết định ban hành 3 văn bản quan trọng về thi hành Điều lệ Đảng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.