10:16 03/06/2010

Tuyển 1.000 lao động sang Canada: Chuyện hoang đường?

Vũ Quỳnh

Tuy Canada có nhu cầu rất lớn về lao động nhập cư, song điều kiện để được cấp phép lao động vào nước này là rất khó

Học định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Học định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Việc Công ty Cổ phần Cung ứng và Xuất nhập khẩu lao động Hàng không (Alsimexco) phát đi thông báo tuyển 1.000 lao động phổ thông sang Canada làm nông nghiệp, theo nhiều chuyên gia, là có yếu tố hoang đường, bởi Canada là một trong những thị trường khó tính nhất trong các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài.

Chưa được thẩm định, vẫn thông báo tuyển công khai

Trong khi hai doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép thí điểm khai thác thị trường Canada là Châu Hưng và Simco Sông Đà đã gần như bỏ cuộc bởi sau nhiều năm đầu tư, khai thác mà lao động đưa đi đếm chưa hết 10 ngón tay, thì ngày 17/5, Alsimexco phát đi thông báo tuyển 1.000 lao động phổ thông sang Canada làm nông nghiệp.

Thông báo tuyển do Giám đốc Alsimexco Trần Quốc Thấn ký nêu rõ: tuyển 1.000 lao động sang Canada làm công nhân nông nghiệp với mức lương cơ bản là 1.100 USD/tháng, chưa kể tiền làm thêm giờ và tiền thưởng. Người lao động sẽ được làm việc theo hợp đồng có thời hạn ba năm theo hình thức được gia hạn từng năm một và có thể gia hạn thêm hai năm nữa.

Điều kiện tuyển dụng là lao động tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, tiếng Anh giao tiếp. Tổng chi phí trước khi đi của người lao động là 9.500 USD/người, bao gồm phí làm visa, vé máy bay, giấy phép lao động, phí môi giới và phí quản lý.

Trao đổi với VnEconomy về đơn hàng “đặc biệt” này, một cán bộ Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho rằng, có thể Alsimexco khai thác được đơn hàng cung ứng 1.000 lao động sang Canada làm việc trong ngành nông nghiệp từ một công ty hoặc cá nhân môi giới. Chỉ có thể khẳng định có hay không có đơn hàng này sau khi Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định xong.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Alsimexco đã thông báo tuyển công khai, rộng rãi trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa thẩm định đơn hàng này.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng khẳng định, đơn hàng này vẫn đang trong quá trình thẩm định. Theo đúng quy trình thì sau 10 ngày làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ hoàn thành thẩm định, khẳng định tính khả thi của đơn hàng thì doanh nghiệp mới được phép thông báo tuyển.

Chuyện hoang đường?

Chiều ngày 2/6, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký công văn yêu cầu Alsimexco dừng tuyển lao động đi Canada làm việc.

Người đứng đầu Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, việc Alsimexco tuyển dụng khi chưa được phép là sai và sẽ bị xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người trong ngành, chuyện một doanh nghiệp với thông tin tuyển cả nghìn lao động nông nghiệp sang làm việc tại Canada, thị trường thu nhập cao và khó tính vào loại bậc nhất, hơn một năm nay chưa xin được bất cứ một visa lao động nào, là điều không thể có. Thậm chí, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tính hoang đường, thậm chí là dấu hiệu lừa đảo, của thông báo tuyển dụng.

Dẫn chứng là sau thông báo được phát đi của Alsimexco, đến lượt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Tĩnh do ông Lê Văn Dong làm giám đốc, lấy danh nghĩa liên kết với Alsimexco, đã đưa ra thông báo tuyển 1.000 lao động nông nghiệp sang làm việc tại Canada với các điều kiện, yêu cầu giống như trên.

Trong khi đó, đại diện Alsimexco lại khẳng định không có chuyện liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Tĩnh để tuyển lao động cho đơn hàng này. Đặc biệt, khoản chi phí mà người lao động phải nộp tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Tĩnh đã đội lên gấp hai lần, là 17.500 USD/người.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động khẳng định tuy Canada có nhu cầu rất lớn về lao động nhập cư, song điều kiện để được cấp phép lao động vào nước này là rất khó. Để được cấp phép vào làm việc, phía Canada yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc 6.0. Thị trường Canada chủ yếu khuyến khích nhập lao động trình độ cao.

Trong khi đó, những lao động phổ thông, có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, hiếm ai đạt trình độ tiếng Anh nói trên, đặc biệt là lao động nông nghiệp. Đấy là chưa nói đến sự khắt khe về tay nghề và một số kỹ năng khác mà lao động sang Canada làm việc cần phải có.