11:05 04/10/2013

Ủy ban Giám sát tài chính lo lắng chi tiêu công

Hoài Ngân

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá về kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để đảm bảo mục tiêu ngân sách đã đề ra cho năm 2013, cần tăng cường tiết
 kiệm chi ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tăng thu,
 chống thất thu và nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm 2013.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để đảm bảo mục tiêu ngân sách đã đề ra cho năm 2013, cần tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, chống thất thu và nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm 2013.
Báo cáo đánh giá về kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa được công bố đã đưa ra ba kiến nghị quan trọng liên quan đến kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề chi tiêu công.

Nhận định tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2013, Ủy ban cho rằng những nỗ lực trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những kết quả  tích cực trong 3 quý đầu năm 2013.

Điều này thể hiện ở việc tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3/2013 đã đạt mức cao hơn so với dự báo, suy giảm tăng trưởng bước đầu đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, nền kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn bởi dòng vốn tín dụng chưa được hấp thụ tốt, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khiến sản xuất khó tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP trong giai đoạn hiện nay đang  phụ  thuộc khá nhiều vào nhân tố xuất khẩu (cầu bên ngoài) là yếu tố  còn nhiều bất định, chứa đựng những rủi ro khó lường đối với tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới;

Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7%  là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn. Theo đánh giá của Ủy ban, đây là mục tiêu quan trọng cần được duy trì trong giai đoạn tới nhằm tạo lập sự ổn định vĩ mô cho trung hạn của Việt Nam.

Nhìn từ bên ngoài, những thành quả đạt được khiến lòng tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ, biểu hiện là dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn FDI đăng ký đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012.

Cũng nhờ vào những cải thiện về môi trường kinh tế vĩ mô, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã có bước tiến mạnh, tăng 5 bậc (từ vị trí 75 lên 70) so với năm 2012, chỉ số môi trường vĩ mô tăng 19 bậc (từ vị trí 106 lên 87).

Trên thị trường quốc tế, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện đáng kể. Theo Ủy ban, đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy những nỗ lực ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian đã đạt những kết quả rất tích cực, trên cả phạm vi trong nước và bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, trên nền tảng khá lạc quan này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vẫn kiến nghị rằng về định hướng chung, những chính sách được thực hiện trong thời gian qua với định hướng ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả nhất định. Chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Thứ hai, về công tác quản lý giá, lạm phát  trong những tháng vừa qua tăng khá mạnh so với giai đoạn đầu năm. Dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong những tháng qua không phải do những yếu tố cơ bản mà chủ yếu là do việc chủ động điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công. Vì vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về  thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.
                                                            
Đặc biệt, về chính sách tài khóa, khả năng cân đối ngân sách nhà nước hiện đang rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu ngân sách đã đề ra cho năm 2013, cần tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, chống thất thu và nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm 2013.

"Về lâu dài, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự  bền vững của ngân sách nhà nước, đồng thời xây dựng kế hoạch  giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách để dần chuyển dịch cơ cấu chi ngân sách nhà nước, thiết lập sự cân bằng giữa chi thường xuyên (hiện chiếm khoảng 67% tổng chi) và chi đầu tư phát triển (hiện chiếm khoảng 18% tổng chi) nhằm tăng thêm khả năng bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài", báo cáo viết.