17:18 24/03/2017

Vay gói 100.000 tỷ, chỉ cần “phương án kinh doanh hiệu quả”

Song Hà

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch không có rủi ro lớn

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí 
hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay lĩnh vực này từ 0,5- 1,5% so
 với mặt bằng lãi suất cho vay.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay lĩnh vực này từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay.
Do lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không có rủi ro lớn, do đó Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo vay vốn trong lĩnh vực này.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với các bộ, ngành chiều 23/3 bàn về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại  để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.

Theo Phó thủ tướng, gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất quan trọng và cần thiết để phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong bối cảnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chững lại.

“Khi Chính phủ công bố gói này thì được giới doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ. Các bộ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai gói này, không để xã hội phải thất vọng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cho hay, hiện Chính phủ đã có hàng lang pháp lý để thực hiện phát triển lĩnh vực này nhưng để tạo ra khung khổ thống nhất thì Ngân hàng Nhà nước phải có hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng này theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo thẩm quyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho doanh nghiệp tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, linh hoạt trong quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực, nếu quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay lĩnh vực này từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát định kỳ kết quả chương trình tín dụng cho nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Đặc biệt, tin tưởng lĩnh vực này không rủi ro lớn, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn nông nghiệp công nghệ cao thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng đi vay và cho vay về Quyết định số 738 ngày 4/3/2017 về tiêu chí xác định công trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao; nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Bộ cũng phải sớm chủ trì phối hợp với các địa phương quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch phát tiển cây trồng vật nuôi trên địa bàn.

Để hỗ trợ các ngân hàng, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để ban hành trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn thêm.