08:14 02/12/2015

VBF 2015: Chuyện không cũ về vấn đề không mới

Nguyên Vũ

“VBF ngày càng quan trọng hơn, Chính phủ sẽ lắng nghe nhiều hơn”

Bộ trưởng Vinh khẳng định sẽ không phải vì doanh nghiệp nội yếu kém mà kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp FDI - Ảnh: Đức Thanh.<br>
Bộ trưởng Vinh khẳng định sẽ không phải vì doanh nghiệp nội yếu kém mà kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp FDI - Ảnh: Đức Thanh.<br>
Gần 13h ngày 1/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 (VBF 2015) vẫn chưa thể kết thúc, dù đã “cháy giáo án” hơn nửa giờ.

Những nội dung không mới

Vị đại diện nhóm công tác cơ sở hạ tầng nói rằng, mái tóc của ông đã bạc theo những vấn đề được đặt ra từ các kỳ VBF đã rất lâu rồi, nhưng vẫn... chưa được giải quyết.

Một trong số đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Vị này bày tỏ quan ngại về tiến độ của cổ phần hóa, khi mà đã nhiều năm được bàn thảo nhưng trên thực tế cổ phần hóa không có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế.

Bởi vì chỉ có một số lượng nhỏ cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước cũ được bán, và đôi khi những cổ phần đó được bán cho các nhà đầu tư thụ động, bao gồm cả các ngân hàng, họ sẽ không quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả quản lý.

Làm sao để quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không gây hạn chế đầu tư của doang nghiệp. Hay thay đổi điều kiện nhập cảnh với công dân Nhật Bản… đều là những nội dung không mới.

Sự bất hợp lý của quy định về thời gian làm thêm theo Luật Lao động (không quá 4 giờ/tuần, không quá 200 giờ/năm và với một số ngành nghề đặc thù không quá 300 giờ) cũng là vấn đề đã được đặt ra ở nhiều diễn đàn VBF trước.

Và lần này, nó lại nằm trong kiến nghị của cả hai hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) nhấn mạnh rằng, Bộ luật Lao động 2012 quy định thống nhất thời gian làm việc thêm tối đa là 30 giờ/tháng bất kể có những thời kỳ cao điểm và thấp điểm của từng doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp rất khó đáp ứng các đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ do người mua hàng đề ra nếu tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ này.

Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và buộc các doanh nghiệp phải tăng ca sản xuất trong những thời kỳ cao điểm, dẫn đến tăng chi phí lao động. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đôi khi phát sinh và đôi khi doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm cho người mua theo các điều kiện do người mua hàng đặt ra.

Vị đại diện KoCham nói, hạn chế về thời gian làm thêm nêu trên có thể ảnh hưởng rất lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vì vậy, mong muốn được họ gửi đến Chính phủ Việt Nam là có thể điều chỉnh và áp dụng linh hoạt các quy định về làm thêm giờ theo các biện pháp như vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có thể bố trí cho người lao động làm thêm giờ một cách linh động để đáp ứng tiến độ giao hàng do khách hàng/người mua hàng đề ra.

Còn thời kỳ thấp điểm, doanh nghiệp có thể bố trí giảm thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ.

Sẽ lắng nghe nhiều hơn

Trong phần phản hồi, vị đại diện cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam chia sẻ với kiến nghị của doanh nghiệp, song cũng nêu lại ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam trước đề xuất nâng giờ làm thêm.

Đó là người lao động cần cân bằng thời gian làm việc với đời sống riêng, dành thời gian cho gia đình, nuôi dạy con cái để thế hệ sau không phải làm thêm giờ nhiều như bố mẹ.

Thay đổi luật pháp, thể chế cần phải có thời gian, cũng là điều được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề cập trong phát biểu bế mạc.

Ông Vinh nói, lần đầu tiên VBF kéo dài hơn dự kiến tới 45 phút, nhưng lý do thì đơn giản thôi. Là vì các nhà đầu tư muốn góp ý nhiều hơn, còn phía Việt Nam cũng muốn tiếp thu rõ ràng hơn.

Ông khẳng định là các bộ, ngành của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp thu những ý kiến rất xác đáng từ VBF. Song, những vấn đề liên quan đến thể chế, luật pháp cần có thời gian, bởi có những vấn đề Chính phủ rất đồng tình, nhưng Quốc hội thì không.

Tăng giờ làm thêm, theo Bộ trưởng là một ví dụ điển hình. Chính phủ rất hiểu cần tăng thêm giờ, nhưng đại diện cơ quan công đoàn, phụ nữ ở Quốc hội thì cho rằng người lao động cũng cần thời gian cho gia đình.

Chính phủ sẽ thuyết phục dần dần, không phải cứ muốn là sửa ngay được, ông Vinh phân trần với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Vinh cũng đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VCCI rằng cản trở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là khu vực FDI phát triển mạnh mẽ, còn doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phát triển không tương xứng.

Nhưng, Bộ trưởng Vinh khẳng định sẽ không phải vì doanh nghiệp nội yếu kém mà kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp FDI.

“VBF ngày càng quan trọng hơn, Chính phủ sẽ lắng nghe nhiều hơn. Diễn đàn lần sau, Bộ sẽ kiểm đếm để xem có bao nhiêu nội dung đã được tiếp thu, còn bao nhiêu cái nói rồi mà không làm được”, Bộ trưởng Vinh kết thúc VBF 2015 - trong tiếng vỗ tay kéo dài của các nhà đầu tư.