11:14 10/12/2010

“Vì một ngày mới không tham nhũng”

Công Lý

Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 vừa được Thanh tra Chính phủ và WB phát động

VACI có khẩu hiệu "vì một ngày mới không tham nhũng".
VACI có khẩu hiệu "vì một ngày mới không tham nhũng".
"Vì một ngày mới không tham nhũng" là khẩu hiệu của chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI 2011) vừa được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) phát động.

Chủ đề của VACI là "tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, VACI 2011 là sự tiếp nối của Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 (VID 2009) với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”. VID 2009 đã rất thành công và Thanh tra Chính phủ nhận thấy cần triển khai mạnh các chương trình tương tự trong các năm tiếp theo và điều này đã được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

VACI 2011 với khẩu hiệu “Vì một ngày mới không tham nhũng” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật phòng chống tham nhũng trong cộng đồng thông qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể... Mục tiêu của VACI 2011 còn nhằm nắm bắt ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cũng như những ý tưởng mới của cộng đồng trong các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng.

Về vấn đề tăng cường liêm chính công, theo ông Trần Đức Lượng, trọng tâm chính là tăng cường minh bạch, trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động hành chính công. Đây là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng được Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh thực hiện.

Ông Mishra Deepak, Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam khá đầy đủ, đảm bảo tối đa các quyền, lợi ích thiết thực của người dân. Tuy nhiên việc áp dụng và thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật trên thực tế, đặc biệt là ở một số địa phương còn là một vấn đề cần giải quyết. Cũng theo ông Mishra Deepak, VACI 2011 sẽ xác định và hỗ trợ trực tiếp các ý tưởng sáng tạo có tiềm năng phát triển ở cấp địa phương, qua đó nhằm tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng.

Ghi nhận những kết quả Việt Nam đã làm được, ông Mark Palu, Trưởng đại diện AusAID Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực liên tục trong hoàn thiện cơ chế, chính sách để các tổ chức, người dân tham gia vào phòng chống tham nhũng. Điều quan trọng là biến cơ chế chính sách thành thực tiễn hành động và mang lại kết quả rõ ràng.

Đồng thời đẩy mạnh các cơ chế tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân ở cấp địa phương. Có làm như vậy mới gắn kết được với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tham nhũng và đảm bảo rằng chính quyền địa phương có trách nhiệm đáp ứng những vấn đề khó khăn của người dân.

Bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam cho rằng, những khoản hối lộ nhỏ đã thành phổ biến và mọi người đều trả phí để “bôi trơn” các dịch vụ công. Nhưng nguy hiểm hơn cả là việc “đưa và nhận phong bì” khi sử dụng các dịch vụ công đang trở thành thông lệ.

Một cách rất quan trọng để xoay chuyển xu hướng này là tăng cường nhu cầu chống tham nhũng từ chính người dân. Trách nhiệm của người dân  có thể tóm tắt bằng khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bà nói.