21:17 18/04/2012

Việc miễn nhiệm đại biểu Hoàng Yến có thể diễn ra cuối tháng 5

Nguyễn Lê

Quan điểm của Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương về việc miễn nhiệm đại biểu Hoàng Yến

Việc miễn nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ được tiến hành theo điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội.
Việc miễn nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ được tiến hành theo điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội.
Tại phiên họp thứ 8 vào đầu tháng 5 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích, đánh giá kiến nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An và Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam để quyết định có trình việc này ra Quốc hội trong kỳ họp thứ  ba (khai mạc ngày 21/5/2012) hay chưa.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nương cho biết, ngay sau hội nghị của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 100% ý kiến đã tán thành kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Đây là một quyết định quan trọng và có tính pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi đến quyết định cuối cùng, bà Nương khẳng định.

Cũng theo bà Nương, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa việc miễn nhiệm đại biểu Yến ra để Quốc hội quyết vào kỳ họp thứ ba tới đây thì có thể tiến hành ngay đầu kỳ họp.

Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành theo điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội đã có tiền lệ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội nhưng mỗi trường hợp đều khác và căn cứ vào mức độ vi phạm của đại biểu đó để Quốc hội thảo luận và xem xét là cho đại biểu tự rút lui hoặc Quốc hội biểu quyết bãi nhiệm. Việc một đại biểu tự rút lui thường do yếu sức khỏe, năng lực, không đủ điều kiện…

Liên quan đến một trong những vấn đề gần đây được báo chí phản ánh, bà Yến cho biết việc không kê khai là Đảng viên là trung thực vì đã bỏ nên không ghi vào lý lịch, quan điểm của bà Nương "đã là Đảng viên thì ra khỏi Đảng rồi vẫn phải khai. Đã trung thực thì thực tế thế nào phải khai thế đó. Chứ đâu có tự bỏ rồi không khai và khẳng định là trung thực. Bản chất khác nhau hoàn toàn".

Trực tiếp tham dự Hội nghị của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nương cho biết các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều rất đồng tình với việc bãi nhiệm một đại biểu mà có tư cách, tính không trung thực. Tất cả các vị đều nhất trí bãi nhiệm, không ai có ý kiến khác.

Với câu hỏi cá nhân có chịu áp lực gì trong quá trình xem xét tư cách đại biểu Yến hay không, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nói " đến lúc này không có một áp lực nào cả và sẽ không để áp lực nào chèn vào chuyện này".

* Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội

Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.