10:43 04/06/2017

“Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy nhất của Nhật Bản”

Hà Nguyên

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio chia sẻ về những kỳ vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ làm ăn tại Việt Nam

Ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.<br>
Ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.<br>
Trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio, đã chia sẻ với VnEconomy những kỳ vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ làm ăn tại Việt Nam.

Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về hợp tác kinh tế song phương Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua?

Nhìn từ góc độ kinh tế, quan hệ song phương Nhật-Việt ngày càng trở nên sâu sắc và mở rộng. Ví như số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam hiện lên tới khoảng 2.500 và Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước ASEAN thu hút nhiều nhất đầu tư của Nhật Bản, chỉ sau Thái Lan và Singapore.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tại Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản xin đầu tư vào Việt Nam là 1.600, tăng khoảng 60% so với 5 năm trước.

Khoảng 200.000 người Việt Nam đang sống tại Nhật Bản, tăng 4,5 lần trong 5 năm. Trong đó, số lượng tu nghiệp sinh là 88.000 người, tăng khoảng 7 lần so với 5 năm trước, vượt số lượng tu nghiệp sinh Trung Quốc, đứng đầu trong các nước có tu nghiệp sinh đến Nhật.  

Người Việt Nam tại Nhật Bản đang có những đóng góp to lớn cho kinh tế Nhật Bản, nơi đang đối mặt với vấn đề ít trẻ em, già hóa dân số và thiếu hụt lao động.

Sự kiện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) và Cơ quan Hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (JASSO) thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm nay là biểu hiện thực tế cho thấy sự gia tăng nhanh chóng về giao lưu nhân dân giữa hai  nước.

Kế từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản, với tư cách là nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam, đã và đang hợp tác thực hiện các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuy có lo ngại về nợ công và vấn đề chậm giải ngân… của Việt Nam, nhưng xuất phát từ nhận thức cho rằng sự ổn định và thịnh vượng của Việt Nam phù hợp với lợi ích của Nhật Bản, nên chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực phát triển của Việt Nam.

Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân không chỉ gia tăng trong ngành sản xuất mà còn cả trong ngành dịch vụ, và hiện tại Nhật Bản đang đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Với việc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nếu Việt Nam thực hiện các chính sách ổn định nhằm mở rộng thị trường trong nước thì có thể thu hút hơn nữa đầu tư từ các nước, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều quan trọng là phải cải thiện và đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì vào chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhân dân hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp và giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có sự tin cậy sâu sắc.

Bên cạnh đó, hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế. Tôi nghĩ rằng đối với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những nước đáng tin cậy nhất, và đối với Việt Nam, Nhật Bản cũng có một vị thế tương tự như vậy.

Tôi hi vọng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước. Cụ thể, bên cạnh các vấn đề liên quan đến hòa bình, an toàn an ninh của khu vực như vấn đề Triều Tiên, vấn đề biển Đông, hai nước đang tiến hành chuẩn bị các nội dung trong đó lưu tâm đến các dự án ODA, các dự án đầu tư, các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực.

Tôi hy vọng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể nhất có thể. Tôi cũng hy vọng chuyến thăm này sẽ là dịp để hai bên tăng cường hơn nữa mối giao lưu trên các lĩnh vực, nhất là văn hóa, thể thao, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam vào năm 2018.

Với chương trình Sáng kiến chung Nhật-Việt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đến giờ, chúng ta có được những kết quả cụ thể gì, thưa ông?

Sáng kiến chung Nhật - Việt được bắt đầu vào năm 2003 và hiện đang bước sang giai đoạn 6. Sáng kiến chung Nhật - Việt đã đem lại nhiều thành quả và hiện tại phía Nhật Bản đang trao đổi với các bộ ngành liên quan của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong 7 lĩnh vực như: lao động-tiền lương, cơ chế luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…), ngành nhập khẩu dược phẩm…

Để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, công việc cấp bách là giải quyết hai vấn đề mang tính cơ bản và căn bản.

Thứ nhất là xây dựng cơ chế thực hiện các mục tiêu chính sách. Việt Nam được mong đợi sẽ hoàn thiện cơ chế giám sát trong tổ chức của Chính phủ để có thể thực hiện một cách chắc chắn các mục tiêu đề ra.

Thứ hai là có nhiều khả năng các chi phí phát sinh về mặt thủ tục hành chính được gọi là “chi phí không chính thức” khiến cho thiếu tính minh bạch và là một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc tăng năng suất.

Trong bối cảnh này, có cả vấn đề lương thấp… của công chức Nhà nước, và để cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới, thì đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải vượt qua bằng mọi cách.