11:16 14/06/2013

“Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic”

Nguyễn Lê

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Thế vận hội

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, “các nước trong khu vực đã tổ chức ASIAD,
 chúng ta không lý gì lại không, dù chúng ta có khó khăn thật, nhưng 
chúng ta có cách để xử lý”.<br>
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, “các nước trong khu vực đã tổ chức ASIAD, chúng ta không lý gì lại không, dù chúng ta có khó khăn thật, nhưng chúng ta có cách để xử lý”.<br>
“Chúng tôi nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic, tôi tin tưởng vững chắc chứ không phải lạc quan tếu”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Lê Trọng Sang (Tp.HCM).

Gần cuối phiên chất vấn sáng 13/6, đại biểu Sang cho rằng, kinh phí dành cho Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) 2019 khoảng 150 triệu USD, tương đương với hơn 3.000 tỷ đồng, là khá lớn với một đất nước đang khó khăn trong phát triển kinh tế như nước ta hiện nay.

“Vào cuối năm 2012, khi họp báo thông tin về ASIAD, Bộ còn thông tin là khả năng trượt giá tăng thêm 30%, xin Bộ trưởng cho hỏi thực hư về điều này? Trong bối cảnh đất nước khó khăn vậy mà chúng ta phải đầu tư cho hoạt động ASIAD liệu có lãng phí không? Sau khi kết thúc ASIAD 2019 sẽ sử dụng các công trình đã đầu tư ra sao?”, ông Sang sốt ruột.

Trả lời vào đầu phiên chất vấn chiều 13/6, Bộ trưởng nói ông thấu hiểu được tình hình kinh tế của đất nước, và mới đây Chính phủ đã trình bày 6 giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, “các nước trong khu vực đã tổ chức ASIAD, chúng ta không lý gì lại không, dù chúng ta có khó khăn thật, nhưng chúng ta có cách để xử lý”.

“Trước hết, chúng ta có 80% cơ sở vật chất hiện có, 150 triệu USD chi phí cho ASIAD đúng là lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng cho mục tiêu dài hạn. Và trong tương lai chúng tôi nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic quốc tế”, Bộ trưởng hào hứng nói.

“Mình phải nhìn về tương lai, tin tưởng vào tương lai, chúng ta có lòng tin chiến lược vào tương lai sức mạnh của chúng ta, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, tôi tin tưởng vững chắc chứ không phải lạc quan tếu”.

Nhiều đại biểu cười thoải mái.

Vẫn trả lời chất vấn của đại biểu Sang, về nguyên nhân của tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam lần thứ hai chỉ khoảng 18%,  gần như là "một đi không trở lại", Bộ trưởng cho hay đây là số liệu được đánh giá từ lâu.

Ông còn cho biết, Hà Nội đã tiến hành một cuộc khảo sát thì có 84,5% hài lòng và dự kiến 81,3% sẽ quay lại. Tại Hội An thì 80% khách hài lòng và dự kiến quay lại, khu vực Nam Trung Bộ phần lớn khách hài lòng về du lịch nghỉ dưỡng biển, trong đó lớn nhất là du lịch Nga, chi tiêu cao, nghỉ dài ngày, không chỉ hài lòng mà còn muốn mời thêm bạn bè đến với du lịch Việt Nam.

“Hôm qua tôi tiếp một ông Bộ trưởng của Anh, tôi hỏi ông đến Việt Nam lần đầu tiên hay lần thứ mấy? Ông bảo trước đây khi chưa làm Bộ trưởng tôi có đến mấy lần. Hà Nội trong mắt ông thế nào? Hà Nội đẹp lắm”, hội trường lại rộn rã sau câu chuyện đầy hào hứng của Bộ trưởng.

Trong phiên trả lời chất vấn chiều 13/6, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi liên quan đến “hòn đá lạ” ở đền Hùng của đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp).

Dẫn thông tin trên hòn đá có vẽ đạo bùa và các nhà nghiên cứu tâm linh lại đang bàn cãi xem đây là đạo bùa tốt hay đạo bùa xấu, vị đại biểu này hỏi Bộ trưởng, “nếu tin là đạo bùa tốt hoặc đạo bùa xấu thì đó là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian hay mê tín dị đoan? Nếu đó là mê tín dị đoan thì việc đưa những thông tin như vậy lên các phương tiện thông tin đại chúng có phải đã góp phần tuyên truyền mê tín, dị đoan không?”.

Bộ trưởng đáp: “Sau khi dư luận phát hiện và phản ánh, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng, kiểm tra, phát hiện đây là một hòn đá do một cá nhân cung tiến, trên hòn đá có nhiều chữ viết khó hiểu, và Ban Quản lý di tích đồng ý cho đặt trên đền Thượng”.

Ông khẳng định, đây là việc vi phạm pháp luật di sản văn hóa và đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Ban Quản lý đưa hòn đá này ra khỏi khu vực đền Hùng và việc này đã được thực hiện xong.

Bộ trưởng giải thích thêm, theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì phải đảm bảo nguyên trạng di tích gốc. Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, mọi công việc tu bổ, tôn tạo với di tích này đều phải có ý kiến của Bộ.

“Trong trường hợp này nếu địa phương báo cáo xin ý kiến Bộ, thì chúng tôi sẽ có cả một hội đồng khoa học và thậm chí là Hội đồng di sản văn hóa thẩm định cho ý kiến thì chắc chắn sẽ không xảy ra trường hợp đáng tiếc”, ông trả lời.

“Xin cám ơn Bộ trưởng, có rất nhiều những khái niệm như khắc phục, hạn chế, quyết tâm, tương lai huy hoàng, chúng ta cũng tin tưởng ở Bộ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh hết thời gian đăng đàn.