09:42 22/08/2011

Việt Nam thực thi chủ quyền biển đảo

Hồ Văn

Khi xác lập và thực thi chủ quyền, Việt Nam phải giải quyết một số vấn đề trên thực địa với các nước láng giềng

Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của đất nước.
Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của đất nước.
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã khẳng định lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền, các đảo, vùng biển và vùng trời và “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.

Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt văn bản pháp quy liên quan đến quy chế các vùng biển, các văn bản pháp quy về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó là Tuyên bố năm 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở của Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và một loạt luật, pháp lệnh, nghị định khác.

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, một số công ước đa phương liên quan giao thông hàng hải, an toàn trên biển và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC).

Đàm phán phân định ranh giới với các nước láng giềng

Khi xác lập và thực thi chủ  quyền, Việt Nam phải giải quyết một số vấn đề trên thực địa với các nước láng giềng, trong đó có vấn đề chồng lấn. Căn cứ vào các quy định liên quan của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam và một số nước láng giềng đã từng bước giải quyết và phân định ranh giới vùng biển chồng lấn.

Ngày 9/8/1997, tại Bangkok, Việt Nam và Thái Lan đã ký hiệp định phân định ranh giới giữa hai nước trong vịnh Thái Lan. Từ đó, hải quân hai nước đã tiến hành nhiều chuyến tuần tra chung để tăng cường ổn định an ninh trên biển.

Ngày 25/12/2000, Việt Nam và  Trung Quốc đã ký phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.

Ngày 26 tháng 6 năm 2003, Việt Nam và Indonesia đã ký hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước.

Các thỏa thuận quá độ

Việt Nam và Malaysia có  vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Diện tích vùng chồng lấn không lớn, nhưng có tiềm năng dầu khí. Ngày 5/6/1992, chính phủ hai nước ký Thoả thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn như là giải pháp tạm thời trong khi chưa phân định dứt điểm ranh giới.

Các nguyên tắc chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia công bằng lợi nhuận; hoạt động thăm dò khai thác dầu khí do Petro Vietnam và Petronas thực hiện trên cơ sở các dàn xếp thương mại.

Việt Nam và Campuchia cần phải phân định ranh giới lãnh hải, vùng dặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Năm 1982, hai nước ký hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước với các nội dung chính là: hai bên thỏa thuận sẽ cùng tiến hành tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử, việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương hai nước trong vùng biển này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước tới nay, còn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên khác do hai bên cùng nhau thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận, không bên nào được đơn phương tiến hành. Vào thời gian thích hợp, Việt Nam và Campuchia sẽ thương lượng để phân định ranh giới biển giữa hai nước theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này thể hiện trong trong Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố năm 1997 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức khác của Việt Nam...

Hiện nay, Việt Nam đang quản lý 21 đảo nổi và đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Việc tổ chức tuần tra kiểm soát trên vùng biển của quần đảo được tổ chức chặt chẽ. Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều trạm đèn biển tại đảo Đá Tây, Đá Lát, An Bang và Tiên Nữ. Trạm khí tượng Trường Sa hoạt động liên tục cung cấp các số liệu khoa học phục vụ cho ngành khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế.

Ngay sau khi Trung Quốc cho lưu hành bản đồ “đường lưỡi bò” tại Liên hiệp quốc (tháng 5/2009), Việt Nam đã tiến hành triển khai một loạt hoạt động đấu tranh như Phái đoàn ta tại Liên hiệp quốc gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc để lưu hành cho tất cả các quốc gia thành viên. Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho phía Trung Quốc bác bỏ yêu sách đó, khẳng định yêu sách đó hoàn toàn không có giá trị.

Thực thi và bảo vệ các quyền lợi kinh tế

Năm 1989, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định xây dựng cụm kinh tế khoa học dịch vụ tại khu đá ngầm trên thềm lục địa Việt Nam thuộc địa phận đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, gọi tắt là DK1, gồm các trạm nghiên cứu Ba Kè, trạm nghiên cứu Tư Chính, trạm nghiên cứu Phúc Nguyên, trạm nghiên cứu Phúc Tần, trạm nghiên cứu Huyền Trân, trạm nghiên cứu Quế Đường.

Tại DK1, chúng ta đã đã xây dựng một số nhà nổi, hình thành tổ chức cơ sở quốc doanh vừa làm nhiệm vụ đánh bắt thu mua và sơ chế hải sản, trước khi chuyển vào đất liền, vừa làm chỗ trú đậu, tránh bão, cung ứng hậu cần cho các tàu thuyền đánh cá của các tổ chức kinh tế và ngư dân trong vùng.

Việt Nam đã phân lô dầu khí và hợp tác với nhiều công ty nước ngoài (Mỹ, Anh, Nga, Nhật bản, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore...) thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Đối với người nước ngoài gây khó khăn trên thực địa, thậm chí gặp các đối tác nước ngoài đòi họ chấm dứt hợp tác với ta, ta luôn khẳng định rõ chủ quyền của ta và tiếp tục các hoạt động bình thường. Cho đến nay, đại bộ phận các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tiến hành hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Năm 2011 sản lượng dầu khí của Việt Nam dự kiến đạt 23 triệu tấn.

Năm 1992, khi công ty dầu lửa ngoài khơi Trung Quốc và Công ty năng lượng Creston của Mỹ ký hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí tại khu vực bãi đá ngầm Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố, khẳng định việc ký kết đó đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chứa đựng nguy cơ mất ổn định; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc thông qua Công ty Creston tiến hành thăm dò khai thác bất hợp pháp trên thềm lục địa Việt Nam.

Sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 2 (25/5/2011) và tàu Viking 2 (9/6/2011) trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam không những đã vấp phải sự phản đối kiên quyết của Việt Nam, mà còn bị cả dư luận thế giới lên án.

Bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển, Đảng và Chính phủ luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong các vùng biển của Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp đồng bộ vừa để hỗ trợ, vừa để bảo vệ hoạt động của ngư dân ta.

Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh trên biển, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh với các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý trên biển của các ngành chức năng để bảo vệ hoạt động nghề cá của tàu cá và ngư dân Việt Nam trong vùng biển Việt Nam.

Xây dựng và trình Liên hiệp quốc báo cáo quốc gia và xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam

Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam, có quyền mở rộng thềm lục địa của mình quá 200 hải lý nếu thềm lục địa đó thực tế rộng hơn 200 hải lý.

Để thực hiện quyền này, Việt Nam phải nộp báo cáo quốc gia lên Ủy ban Thềm lục địa của Liên hiệp quốc, trong đó nêu rõ các bằng chứng khoa học, địa chất, địa mạo để chứng minh. Nếu sau ngày 13/5/2009 Việt Nam không nộp Báo cáo quốc gia thì Việt Nam mất quyền mở rộng ranh giới thềm lục địa.

Trong 3 năm (2007-2009), Việt Nam triển khai khảo sát địa chấn, đo độ sâu mực nước biển để thu thu thập các số liệu cần thiết và chuẩn bị báo cáo với sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Đầu tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp báo cáo chung với Malaysia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía nam biển Đông và báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc.

Quan điểm pháp lý cơ bản trong báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982, tuân thủ Công ước Luật biển năm 1982 và tôn trọng các điều ước, hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết giữa các nước liên quan.

Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa không ảnh hưởng đến việc phân đinh biển giữa Việt Nam với các nước liên quan sau này. Việc Việt Nam nộp và trình bày tại Ủy ban Thềm lục địa các báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 và để thực hiện quyền của một quốc gia thành viên.

Từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã tích cực ủng hộ các nỗ lực của các nước ASEAN thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN- Trung Quốc năm 2002, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, không tiến hành hoạt đông làm phức tạp thêm tình hình, không chiếm đóng mới, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng, đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển, trao đổi thông tin liên quan; tìm kiếm khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và chống các tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Những hoạt động nói trên đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của người chủ sở hữu biển đảo của Việt Nam. Đó cũng là ý chí bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Biểu đạt quyết tâm đó, trong phát biểu ngày 17/8/2011, tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ quyền là thiêng liêng bất khả xâm phạm; Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ làm hết sức bằng sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc; tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc.

Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của đất nước.