12:02 27/05/2017

Vốn FDI Nhật vào Việt Nam lại tăng tốc mạnh

Bạch Dương

Vốn Nhật đã trở lại và ghi danh là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm

Năm 2014, Nhật đã tụt hạng sau nhiều năm giữ vị trí quán quân với khoảng
 2,05 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 5,87 tỷ USD của năm 2013. Đến năm 
2015, tổng vốn đầu tư tiếp tục sụt xuống mức 1,84 tỷ USD.
Năm 2014, Nhật đã tụt hạng sau nhiều năm giữ vị trí quán quân với khoảng 2,05 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 5,87 tỷ USD của năm 2013. Đến năm 2015, tổng vốn đầu tư tiếp tục sụt xuống mức 1,84 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến 20/5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần từ đầu năm nay là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, cả nước có 939 dự án mới được cấp phép mới với 5,59 tỷ USD, 437 dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng số vốn tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư đã rót vốn vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút tới 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm 2017.

Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với 798 triệu USD.

Trong 5 tháng năm nay, có tới 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,23 tỷ USD, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư.

Như vậy, vốn Nhật vào Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc trở lại sau thời gian dài xuống dốc trong xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Năm 2014, Nhật đã tụt hạng sau nhiều năm giữ vị trí quán quân với khoảng 2,05 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 5,87 tỷ USD của năm 2013. Đến năm 2015, tổng vốn đầu tư tiếp tục sụt xuống mức 1,84 tỷ USD.

Thậm chí, đầu năm 2017, Nhật Bản đã bị bật khỏi top 3 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, thay vào đó là sự vươn lên của nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, với sự tăng tốc của Nhật Bản, thì tính từ đầu năm nay, Trung Quốc đã bị tụt xuống vị trí số 4 với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam.

Tính luỹ kế từ trước đến nay, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã lên tới 43,38 tỷ USD, phân bổ cho 3.411 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Việt Nam sau Hàn Quốc (54,47 tỷ USD).

Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI đã đầu tư vào 58 tỉnh thành, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký  là 1,64 tỷ USD. Tp.HCM đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 1,39 tỷ USD.

Trong các dự án lớn được cấp phép 5 tháng đầu năm 2017, phải kể đến dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh. Bên cạnh đó là dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với Petro Vietnam và PVGas Việt Nam.

Ngoài ra, là dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD. Dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD.