16:51 25/10/2016

Vụ ông Vũ Huy Hoàng: “Nên đi tới cùng”

Hà Minh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói, quy định của pháp luật phải đặt lên cao nhất

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão.<br>
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão.<br>
“Những người dù đã về hưu nhưng có liên quan đến trách nhiệm của mình khi còn đương chức thì vẫn phải đưa ra xem xét, xử lý, như thế mới là công bằng”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão bình luận xung quanh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng.

Ông Vũ Mão nói:

- Qua trao đổi với nhiều người, thì kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là tạm được, nhưng chưa thỏa mãn, bởi đằng sau vụ việc đó là gì? Và hậu quả của nó là gì? Cán bộ hư hỏng rồi vi phạm pháp luật không thể giao trọng trách thì lại được giao trọng trách, có gì tiền nong vật chất không?

Một số người trao đổi với nhau có hỏi ý kiến tôi, và tôi cũng cảm thấy đúng là phải tiếp tục làm tiếp.

Đây mới là cơ quan Đảng, chỉ có thể kỷ luật cán bộ, cao nhất là khai trừ Đảng, ở đây là mức cảnh cáo. Thậm chí có ý kiến nói cảnh cáo đã thỏa đáng chưa, nhưng phải tiếp tục làm, ngay trong Đảng phải tiếp tục làm nữa, chúng ta không thể không đi tới cùng ở một sự việc rất nghiêm trọng.

Kiểm soát quyền lực mà không tốt thì dẫn tới công tác cán bộ không tốt, tham nhũng, có nên để nửa vời thế không, nên đi tới cùng.

Nhân dân rất quan tâm xem thái độ xử lý của Đảng, Nhà nước có đi tới cùng không, hay chỉ nói nửa vời thôi, phải làm tiếp nữa.

Ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu, nên xử lý cảnh cáo về Đảng, nhưng còn nhiều cán bộ ở Bộ Công Thương có liên quan đến vụ việc này được nêu ra trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn đang đương chức, thì nên xử lý thế nào, theo ông?

Lâu nay chúng ta vẫn nói về hưu rồi là hạ cánh an toàn, theo tôi không nên quan niệm như vậy, và càng không nên để họ hạ cánh an toàn, nếu họ thực sự có những vấn đề liên quan, để lại hậu quả do trách nhiệm của mình khi đang đương chức.

Nếu không thì lãnh đạo trước khi về hưu cứ làm ào ào đi rồi thoải mái về hưu thì không được, nhân dân không thể chấp nhận.

Theo tôi, những người dù đã về hưu nhưng có liên quan đến trách nhiệm của mình khi còn đương chức thì vẫn phải đưa ra xem xét, xử lý, như thế mới là công bằng.

Còn những người đang đương chức thì đương nhiên là phải xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật, nguyên tắc điều lệ của Đảng. Như vậy mới góp phần xây dựng xã hội phát triển ổn định hơn.
 
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có vụ “xe biển xanh” thì có lẽ hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh còn tiếp tục thăng quan tiến chức. Cũng từ vụ việc này mà rất nhiều vụ lùm xùm khác liên quan đến công tác cán bộ của Bộ Công Thương mới được phát hiện ra. Theo ông các cơ quan chức năng có nên vào cuộc tổng rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ của Bộ Công Thương thời gian vừa qua?

Đã có vấn đề thì phải xem xét. Chúng ta phải bình tĩnh, không vội vàng để tránh cực đoan, song không vì thế mà không làm, vi phạm pháp luật thì phải xử lý.

Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải căn cứ vào pháp luật để xử lý. Vấn đề đã xảy ra, gây hậu quả lớn thì dù đã qua đi cũng phải rà soát lại, đi sâu, xem xét chứ không để nó trôi đi luôn.

Việc này tất nhiên rất mất công và không tránh khỏi đụng chạm, nhất là những người mới nhận chức phải đi xem xét lại trách nhiệm của người tiền nhiệm mình thì rất khó khăn, không đơn giản. Thế nhưng nguyên tắc của Đảng, quy định của pháp luật phải đặt lên cao nhất.

Đây là bài học chung của chúng ta, cụ thể là những người lợi dụng quyền lực để tham nhũng, làm trái quy định nhưng không có kiểm tra, kiểm soát quyền lực của họ kịp thời gây ra hậu quả. Đây cũng là cơ hội để chúng ta củng cố niềm tin của nhân dân.