07:00 11/09/2012

Xem xét quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Nguyễn Lê

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 12 - 26/9 - Ảnh: M.Đ
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 12 - 26/9 - Ảnh: M.Đ
Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp bắt đầu từ 12/9, theo chương trình dự kiến.

Đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định quy trình này tại kỳ họp cuối năm nay, theo nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bởi,  Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và một số văn bản khác đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng từ khi có quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh nội dung này, trong phiên họp dự kiến diễn ra trong hai tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2013, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các báo cáo về công tác tư pháp.

Hai báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ở phiên họp này.

Các dự án luật được đặt lên bàn nghị sự gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Hộ tịch, Luật Việc làm, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật Thủ đô, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật xuất bản (sửa đổi)...

Đáng chú ý là, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau nhiều lần lỡ hẹn cũng sẽ chính thức được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp này. Tại các diễn đàn do Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã nhận xét rằng quy định tại dự luật đã thông thoáng hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, ngay ở cơ quan soạn thảo vẫn còn nhiều loại ý kiến về một số nội dung quan trọng của dự luật.