20:53 28/05/2012

Ý chí thép nơi nhà giàn DK1

Khánh Huyền

Ở nơi chỉ có trời mà không có đất, có những người lính vẫn ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Vào những ngày nắng, nhà giàn như một cái “nồi hơi” lơ lửng trong không khí đặc quánh muối biển - Ảnh: Trường Giang.
Vào những ngày nắng, nhà giàn như một cái “nồi hơi” lơ lửng trong không khí đặc quánh muối biển - Ảnh: Trường Giang.
Ở nơi chỉ có trời mà không có đất, có những người lính vẫn ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trước sự đe dọa của thiên nhiên và thậm chí, kẻ thù.

Cũng không ngoa khi nói rằng, chỉ những người có ý chí thép mới đủ sức trụ vững giữa biển khơi trong một không gian chật hẹp, xung quanh bốn bề là mặt nước, luôn tiềm ẩn những cơn cuồng nộ từ thiên nhiên.

Đó là những chiến sỹ hải quân đang sinh hoạt tại khu vực nhà giàn DK1, nằm trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một tập thể đến từ nhiều miền quê trên dải đất hình chữ S với những tính cách khác biệt, nhưng tất cả đều có điểm chung là sự quên mình vì nhiệm vụ.

Có đến tận nơi mới thấy hết những hy sinh thầm lặng của chiến sỹ nhà giàn. Nguy hiểm rình rập ngay từ lúc cập xuồng tại chân nhà giàn, những con sóng cao ngút luôn chầu chực kéo những chiếc xuồng bé nhỏ xuống biển khơi, dù vẫn còn là mùa biển lặng vào trung tuần tháng 4. Nói gì đến mùa biển động, mọi hoạt động khi đó gần như chỉ bó hẹp bên trên nhà giàn, và lúc đó nơi đây thực sự biến thành khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 

Khá vất vả để có thể leo lên được phía trên nhà giàn, căn “chòi” nhỏ với diện tích chỉ hơn chục m2 được bao bọc bằng tôn.

Vào những ngày nắng, nhà giàn như một cái “nồi hơi” lơ lửng trong không khí đặc quánh muối biển. Không có cây xanh vì chẳng có đất, lại thêm sự hấp nhiệt từ những khối tôn ghép - vật liệu duy nhất có thể trụ được lâu dài trên biển - đã đẩy nhiệt độ bên trong nhà giàn lên cao hơn.

Với điều kiện như vậy, chỉ những người có thể lực mạnh mẽ mới đủ sức tồn tại trong cái nóng như thiêu như đốt hơn 10 tiếng một ngày.
 
Khắc nghiệt là vậy, nhưng đấy mới chỉ là khó khăn nhỏ so với những ngày biển động. Gió mạnh kèm theo sóng lớn dồn dập kéo đến nhà giàn, đập dưới chân rồi ùa cả lên mái. Trong khi chân nhà giàn liên tục phải chịu những va đập mạnh bởi sóng biển thì phía bên trên, những cơn gió rít điên loạn kéo nhà giàn nghiêng ngả.

Không ít lần sóng đánh tung cả sàn tạo thành lỗ lớn ngay trong nhà giàn. Âm thanh tạo mà gió tạo ra tại những thời khắc như thế rất “khủng khiếp”, nó tác động trực tiếp đến não bộ và rất dễ làm cho con người bị hoảng sợ rồi mất hết lý trí. Những người lính nhà giàn vẫn tếu táo coi đó mới chỉ là sự “vui đùa” của thiên nhiên với con người.

Lính ở đây kể chuyện, đã có nhiều thời điểm, họ thấy những con sóng cao đến mức có thể trùm kín cả nhà giàn, như thể nuốt trọn bất kỳ thứ gì mà nó đi qua, kèm theo đó là những trận cuồng phong như chực chờ để kéo sập nhà giàn xuống đáy biển. Sự sống và cái chết khi đó chỉ cách nhau gang tấc.

Ký ức của người lính vẫn còn ghi nhớ câu chuyện về những chiến sỹ nhà giàn DK1 - Phúc Tần, sau một đêm chống chọi trước sự tàn phá khốc liệt của cơn bão cấp 12 đêm 4/12/1990, đã đau đớn nhìn nhà giàn đổ sụp cùng sự ra đi mãi mãi của trạm phó Nguyễn Hữu Quảng, y sĩ Lê Đức Là và nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền. Sau 8 năm, vào đêm 14/12/1998, cũng một cơn bão lớn trên cấp 12 đã tràn qua khu vực DK1 và xô đổ nhà giàn DK1 - Phúc Nguyên, làm 3 chiến sỹ Vũ Quang Chương, Lê Đức Hồng và Nguyễn Văn An hy sinh.

Ở DK1/14, nối giữa nhà giàn hiện đại vừa được dựng mới là khu nhà giàn cũ đứng nghiêng mình trước biển, vật chứng sống sau nhiều lần vật lộn và chịu trận trước thử thách từ những cơn bão mà thiên nhiên liên tục tạo ra. Thiên nhiên đã vậy, nhưng đời sống và tinh thần của các chiến sỹ trên nhà giàn cũng là thử thách không hề nhỏ.

Rau xanh và nước ngọt là hai thứ thiếu nhất ở nhà giàn. Việc tích trữ rau xanh từ đất liền gửi ra không hề dễ dàng và cũng chẳng được bao nhiêu. Để cải thiện bữa ăn, người lính buộc phải tự trồng rau trong những khay bằng nhựa đựng đất. Ở nơi chỉ có nắng, gió và không khí muối đậm đặc, mỗi cọng rau muốn tồn tại được thì cũng phải chịu đựng thử thách giống như con người.

Khổ nhất chính là thiếu nước ngọt, lính tráng phải để dành nước phục vụ cho ăn uống nên có khi cả vài tuần mới dám tắm một lần. Trong không gian chật hẹp, sinh hoạt còn không được thoải mái nên cũng hiếm chỗ để có thể tích được nước mưa hay lấy từ tầu ra cấp nước.

Sinh hoạt khó khăn, trong khi quanh năm không chỉ phải hứng chịu cái nắng gay gắt của trời và sự “tức giận” bất thường của đại dương, những người lính còn phải vượt qua nỗi niềm cô đơn của sự xa cách. Đa số chiến sỹ đều có những tâm sự riêng về gia đình, chuyện tình cảm... Khó khăn nhất đối với lính nhà giàn là những khi gia đình có việc mà chẳng thể về ngay để giải quyết được.

Song bản thân gia đình của các anh cũng luôn lặng thầm hy sinh... Trung úy Trần Hữu Mạnh tại DK1/14 có vợ đang chống chọi với căn bệnh máu trắng ở quê nhà, nhưng anh vẫn chưa có dịp về thăm nom người bạn đời. Trung tá Trần Sỹ Hoành đã 18 năm liên tục sống và làm việc trên DK1. Dù rất ít có điều kiện về thăm và chăm sóc cho gia đình nhưng những thành viên trong nhà, đặc biệt là vợ của anh vẫn luôn động viên để anh yên tâm công tác.

Giữa biển khơi mênh mông, nơi dễ làm con người hoang mang, dao động, chỉ sự đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt mới có thể tạo nên sức mạnh để vượt qua những phút mềm lòng. Như câu hát quen thuộc của lính nhà giàn: “Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh, mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...”.

Ý chí thép nơi nhà giàn DK1 - Ảnh 1
Để trồng được những khóm rau như thế này, các chiến sỹ nhà giàn phải mất rất nhiều công sức và thời gian - Ảnh: Trường Giang.

Ý chí thép nơi nhà giàn DK1 - Ảnh 2
Những buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ khi với những đoàn công tác từ đất liền luôn là món quà tinh thần với các chiến sỹ nhà giàn DK1 - Ảnh: Trường Giang.