08:19 22/09/2017

Yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện

Bảo Anh

"Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và nhân dân nghi ngờ cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 21/9.<br>
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 21/9.<br>
“Quan trọng nhất là phải minh bạch, công khai, do đó tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS. Các Bộ ngành liên quan phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS. Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao”.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp  với đại diện các bộ ngành liên quan và về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), chiều 21/9.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, quá trình tiến hành cổ phần hoá VFS được bắt đầu từ khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Phương án cổ phần hoá được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật và được 100% cán bộ, văn nghệ sĩ của VFS thống nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hoá, những vấn đề liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến, của các văn nghệ sĩ cũng như sự quan tâm của dư luận.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Phạm Xuân Hải cho rằng, một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu của VFS lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án cổ phần hoá (năm 2014). Giá trị của các “khu đất vàng” mà VFS đang sử dụng cũng không được tính đến.

Đại diện các văn nghệ sĩ cũng đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện cổ phần hoá được cho là chưa minh bạch, khách quan; thực hiện các cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, người lao động tại VFS; việc sử dụng các khu đất; kiến nghị thay đổi đơn vị tư vấn khi rà soát lại quá trình cổ phần hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng…

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… trả lời rõ từng kiến nghị, nhất là vấn đề định giá thương hiệu và giá trị các khu đất của Hãng Phim truyện Việt Nam.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, ngay sau khi Thủ tướng có chỉ đạo rà soát việc định giá thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam có tính đến yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, Bộ đã chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát lại các quy định đồng thời gửi văn bản tới các bộ ngành liên quan về vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định hiện hành không có, vì vậy, Bộ đã yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng phương án mới để xác định giá trị thương hiệu của hãng Phim truyện Việt Nam trên cơ sở tham khảo cách làm ở một số nước.

Đối với những “khu đất vàng” mà VFS đang sử dụng, đại diện các bộ ngành khẳng định, đây là đất thuê của Nhà nước và trả tiền từng năm nên không thể tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Giải đáp lo ngại cvề việc những khu đất của VFS sẽ bị biến thành nhà hàng, khách sạn…, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Sau cổ phần hoá, VFS chỉ làm phim và kèm theo đó phương án sử dụng đất đã được ghi rõ trong điều lệ của đại hội cổ đông. Bộ đã cử hai người đại diện phần vốn Nhà nước, cùng với cán bộ, nhân viên tham gia giám sát hoạt động của chủ đầu tư, hội đồng quản trị nếu không đúng với điều lệ thì báo cáo với Bộ”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định việc rà soát lại quá trình cổ phần hoá VFS, trong đó có việc định giá lại thương hiệu sẽ phải thực hiện rất cẩn trọng, khoa học, công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) - chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam, khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng tại số 4 Thụy Khuê là để phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng. Đối với việc sử dụng lao động, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cho rằng, vì là doanh nghiệp nên ông sẽ làm đúng như Luật Lao động.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả nghệ sĩ đều ủng hộ chủ trương cổ phần hoá với mong muốn dù ai đầu tư, cổ phần bao nhiêu thì đây vẫn phải là đơn vị làm phim truyện là chính, góp phần để lĩnh vực phim truyện Việt Nam phát triển tốt hơn.

“Nhiều năm qua, Hãng Phim truyện Việt Nam hoạt động rất yếu kém. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, các văn nghệ sĩ còn không ít băn khoăn, lo lắng, cụ thể như các khu đất của hãng sẽ không phục vụ làm phim ảnh mà trở thành nhà hàng, khách sạn; có bề dày lịch sử, truyền thống nhưng thương hiệu của đơn vị tính bằng không; quá trình cổ phần hoá chưa công khai, minh bạch và một số bức xúc giữa chủ đầu tư với các văn nghệ sĩ”, Phó thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, nhiều câu hỏi trong quá trình cổ phần VFS chưa được những người có đủ trách nhiệm như Ban giám đốc VFS, Bộ chủ quản giải đáp tận tình, cặn kẽ, thấu đáo. Vì vậy, mặc dù đã có các ý kiến trao đổi, giải thích nhưng đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, các văn nghệ sĩ vẫn lo lắng, thắc mắc, chưa yên tâm.

VFS chính thức được cổ phần hóa vào tháng 4/2016. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về Vivaso.

VFS quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, Tp.HCM. Vivaso chỉ bỏ ra khoảng 33 tỷ đồng đã có thể sở hữu 65% vốn cổ phần tại VFS. Vivaso có vốn điều lệ hơn 320 tỷ đồng và có một công ty con chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, hạ tầng giao thông.