17:49 05/05/2019

Thủ tướng: Công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, tài sản của quốc gia

Nguyên Hà

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập

Thủ tướng cho rằng, nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Thủ tướng cho rằng, nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

"Công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia. Thế giới đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể. Do vậy, công nhân kỹ thuật cao là lực lượng lao động đang có nhu cầu tăng cao, không lo bị robot thay thế".

Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khi ông trực tiếp đối thoại với gần 1.000 công nhân kỹ thuật cao đến từ 7 tỉnh, thành phía Nam, tổ chức tại Tp.HCM sáng 5/5.

Cần quan tâm sáng kiến của công nhân

Cuộc đối thoại xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính như: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, người lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân...

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn, lao động giá rẻ mà cần dựa vào năng suất lao động, khoa học công nghệ. Vậy ai thực hiện điều đó, chính là lực lượng lao động kỹ thuật cao.

Tiếp nhập bản tổng hợp kiến nghị của công nhân từ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 43 kiến nghị thuộc 7 nhóm vấn đề, Thủ tướng cho rằng, đây là bản kiến nghị "nặng ký", nhiều vấn đề, nhưng đây là chỉ là giấy tờ, mà Thủ tướng mong muốn nghe "tiếng nói từ trái tim, khối óc" của người lao động kỹ thuật cao.

Kiến nghị tới Thủ tướng, công nhân Đinh Đăng Toàn, (Công ty cổ phần Quốc tế Phong phú), cho rằng, hiện một số ngành nghề đặc trưng mà ngành giáo dục chưa đáp ứng được. Kỹ thuật viên nhiều ngành nghề phải thuê nước ngoài, tốn nhiều tiền trả lương. Nhân lực Việt Nam chỉ tự thân học hỏi kinh nghiệm là chính chứ chưa được đào tạo bài bản.

"Ngành giáo dục phải xem xét, hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều khi công nhân phải bỏ tiền túi ra để thực hiện sáng kiến cải tiến nhưng chính sách khen thưởng chưa phù hợp, điều này không tạo động lực cống hiến cho họ", anh Toàn nói.

Anh Nguyễn Xuân Quang (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho rằng việc đổi mới đào tạo công nhân, nhất là công nhân chất lượng cao là cần thiết. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, chúng ta đã làm nhưng chưa đi vào thực chất. Trong khi đó, hệ thống quản lý điều hành ngày càng phức tạp. Do vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách tạo điều kiện cho người công nhân nâng cao trình độ.

Trong khi đó, chị Trần Thị Lan Anh (Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông) đề xuất: "Mọi sáng kiến của công nhân lao động dù nhỏ hay lớn nên luôn được quan tâm nuôi dưỡng. Chính phủ cần xem xét xây dựng những trung tâm để hỗ trợ, làm bệ đỡ cho ý tưởng của anh em công nhân, biến ý tưởng thành hiện thực".

Về phía người sử dụng lao động, các doanh nghiệp nêu thực trạng đa phần người lao động ra trường vào làm doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Có doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 1-2 năm. Nhưng các doanh nghiệp xác định đào tạo lao động là một nhiệm vụ quan trọng và đã bắt đầu chủ động mở các trung tâm đào tạo hoặc cử lao động đi học.

Đại diện Hãng Vietnam Airlines cho biết doanh nghiệp hiện có 22.500 lao động, trong đó có 1.200 phi công, 2.500 kỹ sư máy bay và 3.000 tiếp viên, cho biết, 75% đội bay của hãng là phi công Việt Nam (800/1.200 phi công).

Để làm điều đó, hãng tập trung đầu tư lớn cho đào tạo như mở trung tâm huấn luyện bay, đầu tư thiết bị mô phỏng bay cũng như hợp tác với trung tâm đào tạo lớn của cả nước cũng như quan tâm đến chính sách đãi ngộ người lao động. Hiện mức lương phi công Việt Nam bằng khoảng 75% lương phi công nước ngoài, trung bình khoảng 150 triệu đồng người/tháng. Nhưng do đang đối diện tình trạng "chảy máu chất xám", doanh nghiệp này đề nghị cần có quy định cụ thể để bảo đảm sự ổn định về nguồn nhân lực.

Phải vượt qua thói quen lãng phí thời gian

Trao đổi với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập. Đặc biệt, công nhân kỹ thuật cao làm cho hiệu suất lao động cao, từ đó, có thu nhập cao.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao. Theo Thủ tướng, tỷ lệ này là thấp. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển nhanh nhưng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, đặc biệt doanh nghiệp có năng suất thấp, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế mà nguyên nhân đầu tiên là thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao, cả về số lượng, chất lượng.

Chúng ta không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải đi vào khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng lao động. "Nếu đi theo phương thức cũ, cứ sử dụng lao động phổ thông, thu nhập thấp thì chúng ta thất bại. Nên đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trở thành nhân tố quyết định đối với sự phát triển đất nước", Thủ tướng nói.

Về vấn đề "ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao", Thủ tướng nhìn nhận trước hết là Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách và nơi đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và công đoàn cũng phải chủ động trong vấn đề này. Công nhân phải tự học tự rèn. Doanh nghiệp tạo điều kiện và quan tâm. Tất cả phải chung tay vào làm công việc quan trọng này, tránh tình trạng mỗi người một hướng.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực, nhất là việc tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao, với mục tiêu Việt Nam phải phấn đấu vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, là điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ cao, chất lượng cao, năng suất cao từ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương, chủ doanh nghiệp quan tâm đến 4 vấn đề thiết yếu của công nhân: lương và thu nhập, bảo đảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập; chỗ học tập và vui chơi cho con em của công nhân.

Nhấn mạnh "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", Thủ tướng mong muốn công nhân phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi. Công nhân phải có khát vọng, hoài bão; khát vọng làm thay đổi cuộc sống. Cần vượt qua thói quen lãng phí thời gian như việc lướt web, chơi game và uống cà phê kéo dài, tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là trong giới trẻ. Yêu cầu trước tiên đối với công nhân, đặc biệt là công nhân kỹ thuật cao, là phải có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, phải tự đào tạo, nâng cao tay nghề, tự cập nhật kiến thức.

"Các bạn có tay nghề cao, có bàn tay vàng, có đầu óc sáng tạo thì mới có thể có thu nhập cao. Nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.