21:27 31/05/2019

Thủ tướng: Phải tỉnh táo trong điều hành

Bảo Quyên

Thủ tướng nêu rõ áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nếu chúng ta không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông thì không đạt mục tiêu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp tháng 5 của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp tháng 5 của Chính phủ.

Chiều 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, trong đó Thủ tướng đã phân tích một số tình hình quốc tế và cho rằng, chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động.

Cẩn trọng với bất ổn bên ngoài

Tại phiên họp, bên cạnh một số mặt tích cực, Thủ tướng nhắc nhở một số tồn tại của các bộ ngành, trong đó có việc triển khai thủ tục chậm, ban hành chậm một số văn bản. Theo Thủ tướng, cần tổng hợp danh sách các bộ, ngành làm tốt và không tốt, làm chậm trễ để đưa ra phiên họp Chính phủ để thẳng thắn phê bình.

Có một số vấn đề chưa rõ trách nhiệm, đòi hỏi phải quán xuyến từ đầu đến cuối công việc có liên quan, "làm ngày làm đêm chưa hết việc chứ nói làm túc tắc". Vấn đề nữa Thủ tướng lưu ý là những tiến bộ khoa học công nghệ mới chậm đưa vào cuộc sống.

Đối với tình hình kinh tế-xã hội thời gian tới, Thủ tướng nhắc, cần chú ý vấn đề bên ngoài khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Trong quý 1/2019, thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,75%. Chỉ số thương mại hàng hóa thế giới ở mức 96,3, thấp nhất kể từ năm 2010.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường và OECD nhận định, nếu tiếp tục kéo dài và Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%, thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.

Vấn đề nữa là rủi ro tỷ giá, lãi suất, bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ, trong đó, tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh. Giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường. "Tất các những điều đó cùng với tình hình trong nước, làm chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ, qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đặt vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta cần chú trọng văn hóa hơn, nếu phát triển kinh tế mà không chú trọng vấn đề văn hóa thì đến một lúc nào đó, kinh tế sẽ dừng lại do yếu tố văn hóa tác động, nhất là đạo đức, phẩm chất, môi trường sống, quan hệ xã hội khác…

Thời gian qua, trong tam giác phát triển "kinh tế, xã hội, môi trường" thì kinh tế được tập trung, môi trường được chú trọng nhưng vấn đề văn hóa chưa được tập trung cao của hệ thống cấp ủy, chính quyền. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn nữa vấn đề này.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là nước "sáng nhất" trong nhóm các nước đang phát triển như Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030. Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực"…

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thảo luận về một số tồn tại, thách thức như xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện, "tháng 6 rồi mà tình trạng như này thì gay go".

Không tăng giá dịch vụ công dồn dập

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với "tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu".

Lưu ý về các rủi ro, thách thức bên ngoài khó lường, Thủ tướng nêu rõ áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nếu chúng ta không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông, giải tỏa tâm lý lạm phát thì khả năng CPI bình quân tăng vượt 4% năm 2019 có thể xảy ra.

Nêu một số định hướng điều hành vĩ mô thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với "tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu".

Trước rủi ro bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước… "Bộ Công Thương không tổ chức thị trường trong nước tốt thì gay go", Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành liên quan phải quan tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ, tìm và mời các doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới vào đầu tư tại Việt Nam…

Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất để có giải pháp kịp thời; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài.

Các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới và "phải xem lại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua chú trọng giải pháp nào để đưa vào cuộc sống, từ đất đai, công nghệ, chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu, các dự án lớn thế nào, những vướng mắc nào cần tháo gỡ. Phải giảm lãi suất ở mức độ nào mà rất nhiều đại biểu Quốc hội nói cần nghiên cứu việc giảm lãi suất", Thủ tướng lưu ý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm vấn đề này.

Nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nêu rõ không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải tăng dày các cuộc họp đánh giá, phân tích. "Thế giới diễn biến phức tạp mà mình không tỉnh táo thì sẽ mắc bẫy, sẽ bị theo", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục phân tích vấn đề mà Quốc hội thảo luận hôm nay (ngày 31/5) là đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là đối với người dân, cần tăng cường truyền thông, hạn chế bức xúc.

Bộ Tài chính, mà trước hết là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, làm đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá thị trường chứng khoán, tăng cường đánh giá, theo dõi dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán để kiểm soát rủi ro, tình trạng chảy vốn và rủi ro lan truyền.

Nhấn mạnh nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, Thủ tướng nêu rõ, cần cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Không cắt giảm hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối.