13:58 20/04/2021

Thúc đẩy chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm và tự chủ năng lượng

Mạnh Đức

Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu

Diễn đàn: Năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Diễn đàn: Năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Ngày 20/4/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức diễn đàn: "Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam".

GIẢM NHẬP KHẨU NĂNG LƯỢNG

Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế và giảm năng lượng nhập khẩu, giảm mức tiêu thụ năng lượng hoá thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Theo số liệu từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ở kịch bản phát triển cơ sở, tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 192 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) vào năm 2030 và tăng lên 438 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) vào năm 2050.

Đối với kịch bản trung bình, đến năm 2030 nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ được giảm xuống đáng kể, với mức 173 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) và 161,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi). Như vậy, để đạt được các mục tiêu chính sách, nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ giảm khoảng 20 – 30 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) so với kịch bản cơ sở vào năm 2030.

Đây là tác động của việc tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải CO2 và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng.

Tăng cường tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Vào năm 2030, các kịch bản trung bình và kịch bản cao khi so sánh với kịch bản cơ sở có thể giảm mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ 59% xuống còn 53% và 47% tương ứng.

Suất đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn cao, hệ số công suất thấp (từ 20% – 30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao. Theo tính toán, điện gió khoảng 2 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 – 1,3 triệu USD/MW, tương đương với chi phí đầu tư thủy điện nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40% - 45%
TS Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo nhận xét của Viện Năng lượng, trong giai đoạn 2021 – 2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt hơn với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều.

Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng.

Cường độ năng lượng trên GDP có thể giảm từ 20 – 30% so với kịch bản phát triển bình thường thông qua thúc đẩy và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Việc lồng ghép các chi phí ngoại sinh vào chi phí hệ thống cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tính cạnh tranh của các giải pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng sạch hơn.

VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC TỪ QUỐC TẾ

Bộ Công Thương cho biết đã và đang thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu suất tiêu thụ năng lượng, thay thế các công nghệ cũ lạc hậu bằng những công nghệ mới tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. 

Đặc biệt, với nỗ lực của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cùng các tổ chức quốc tế, tháng 3/2021 vừa qua, một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD và khoản bảo lãnh 75 triệu USD đã được triển khai từ Quỹ Khí hậu xanh thông qua Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.

Dự án tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam đang được thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tiếp cận các khoản vay đầu tư cho mục đích chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng với tổng số kinh phí tới 100 triệu USD.

Trong đó, 8,3 triệu USD được dành để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Hợp phần này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để cải tiến chính sách, quy định và tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.

Bộ xây dựng cũng đang phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đề xuất dự án: "Hỗ trợ việc xây dựng các tòa nhà phát thải thấp và làm mát thông qua phương pháp tiếp cận đa ngành". Dự kiến, dự án này có tổng vốn 105 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu xanh là 5 triệu USD.

Mục tiêu của đề xuất hỗ trợ thực hiện các mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NCD) của Việt Nam và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để góp phần chuyển đổi ngành xây dựng theo hướng phát thải thấp.

Khoản tài trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu xanh sử dụng để hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, thể chế và các hoạt động chuẩn bị dự án, bao gồm cả việc chuẩn bị khung pháp lý cho việc sử dụng khoản vay của Quỹ Khí hậu xanh tại Việt Nam trong tương lai.