12:38 10/10/2018

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giáo dục phổ thông

Hải Vân

Môi trường giáo dục tại Việt Nam đang cần có thêm các trường đại học chất lượng, với bằng cấp được chứng nhận quốc tế và học phí cạnh tranh, hứa hẹn cơ hội đầu tư lớn

Hiện nay mô hình hợp tác quốc tế giữa các trường phổ thông trong nước và quốc tế đang gia tăng, các trường quốc tế đang chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư. Các mô hình này đang dần thay đổi bức tranh về ngành giáo dục Việt Nam, làm cho quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Mở rộng mô hình liên kết

Vào đầu tháng 10, lần đầu tiên 27 học sinh xuất sắc của trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm nhận được học bổng hệ liên kết đào tạo Delta Global School (DGS) - hợp tác giữa trường Đoàn Thị Điểm với trường Trung học Riverdale Country, New York, Mỹ, chuyên đào tạo song ngữ dành cho các  học sinh tài năng có nhu cầu du học Mỹ.

Hệ đào tạo DGS giảng dạy song song hai chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và chương trình trung học của Hoa Kỳ, với mong muốn trở thành cầu nối các thế hệ học sinh Việt Nam đến với chuẩn giáo dục quốc tế. Hệ đào tạo sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với một học sinh trung học, ông Nguyễn Tùng, thành viên của ban dự án Trường quốc tế DGS, cho biết.

Bà Đỗ Huyền Chi, Phó hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, trước khi hợp tác cùng trường trung học Riverdale, trường đã thường xuyên triển khai những chương trình giao lưu học tập, văn hóa với những nơi có nền giáo dục phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Singapore, Đài Loan để tạo cơ hội cho các em tiếp cận với những nền văn hóa tiên tiến nhất.

Trước nhu cầu ngày càng lớn về việc tham gia các chương trình đào tạo quốc tế cũng như được tiếp cận với nền giáo dục toàn cầu, rất nhiều trường trung học phổ thông hiện nay đã liên tục ký kết hợp tác với những trường danh tiếng trên toàn cầu để cùng triển khai những mô hình giáo dục tiên tiến ngay tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng bộ phận Quốc tế Trường Nguyễn Siêu cho biết hiện tại trường đã có các chương trình liên kết/hợp tác quốc tế rất đa dạng: từ trại hè, du học ngắn hạn đến khóa đào tạo kỹ năng kiến thức tiền đại học (hợp tác với Đại học Massey - New Zealand) học tại Trường Nguyễn Siêu với giảng viên của Đại học Massey.

Hiện nay, trường Nguyễn Siêu đã ký thoả thuận hợp tác với hai trường Đại học hàng đầu tại New Zealand là Massey và Canterbury. Đồng thời, trường Nguyễn Siêu cũng kết nghĩa với một số trường trung học tại Đan Mạch, Italia, New Zealand, Nhật Bản (như Nykobing, Skal, Liceo Scientifico G.Galilei Macleans, Nagarakuen…).

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho biết trường đã ký hợp tác với trường Đại học Anh Quốc (BUV) trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được nhận học bổng học tập tại BUV.

Bên cạnh đó, trong một năm qua, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan các trường trung học trên thế giới như Israel, Hoa Kỳ, Australia.

Hình thức học chương trình quốc tế, hay hợp tác liên kết với trường nước ngoài có rất nhiều ưu thế so với du học tại nước ngoài.

Thứ nhất là chi phí, học sinh sẽ chỉ phải chi trả học phí, còn lại các chi phí khác như sinh hoạt, ăn ở, đi lại…thì đều theo mức Việt Nam nên tổng chi phí thấp hơn rất nhiều so với du học tại nước ngoài.

Thứ hai là gia đình được tham gia vào hoạt động giáo dục toàn diện (gia đình, nhà trường và xã hội) giúp học sinh trưởng thành lành mạnh và an toàn ở lứa tuổi chưa đủ chín chắn để tự lập.

Thứ ba, học sinh sẽ có thời gian dài hơn chuẩn bị hành trang kỹ càng hơn cho cuộc sống du học ở bậc đại học hoặc sau đại học, tức là phát triển con người có bản sắc, nguồn cội Việt Nam vững vàng trước khi trước khi trở thành công dân toàn cầu.

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện "Chiến lược tổng thể về Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Bộ.

Tăng tốc đầu tư

Dù không tiết lộ con số đầu tư cụ thể vào DGS, ông Nguyễn Tùng, thành viên của ban dự án Trường quốc tế DGS cho biết, trường đang được xây mới hoàn toàn trong khuôn viên cơ sở 2 của Trường Trung học Đoàn Thị Điểm tại Hà Nội, sẽ hoàn thành vào năm 2019. Toàn bộ thiết bị phòng học và thiết bị giảng dạy áp dụng theo đúng tiêu chuẩn của trường Riverdale. Toàn bộ nguyên vật liệu để hoàn thiện nội thất được cung cấp bởi tập đoàn Hunter Douglas, tiêu chuẩn quốc tế.

Vào trung tuần tháng 9, khuôn viên của trường Đại học Anh quốc chính thức khánh thành tại Ecopark. Khuôn viên này được triển khai xây dựng cách đây 3 năm với tổng mức đầu tư 70 triệu USD. Sau khi hoàn thành cơ sở sẽ có quy mô đào tạo 7.000 sinh viên, với việc hoàn thiện giai đoạn 1 như hiện nay, trường có quy mô đào tạo 2.000 sinh viên.

Trước đó, một loạt các quỹ giáo dục đã đầu tư vào Việt Nam. Cognita, một quỹ giáo dục, đã mua Trường Quốc tế Tp.HCM (International School of HCMC - ISHCMC) và Trường Tiểu học Saigon Pearl. Quỹ North Anglia đã mua Trường Quốc tế Anh quốc (British International School), và TPG, một quỹ đầu tư Mỹ, đã sát nhập Trường Việt – Úc (Vietnam-Australia School - VAS).

EQT đầu tư vào ILA, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam. IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh Hội Việt – Mỹ; Mekong Capital đầu tư và trung tâm tiếng Anh YOLA; và IAE đầu tư và Đại học Western University. Luồng vốn đầu tư lớn vào các trường quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển của giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Các trường đại học và cao đẳng công ở Việt Nam chỉ có thể nhận 600.000 trong số 1,8 triệu hồ sơ trong kỳ xét tuyển đại học quốc gia hàng năm, cho thấy nhu cầu giáo dục cấp sau THPT đang rất lớn.

Mặt khác, các sinh viên ra trường đã và đang gặp khó khăn trong việc tìm việc làm đúng ngành học của mình bởi còn thiếu kỹ năng thực hành thiết yếu. Tuy rằng chính phủ Việt Nam ưu tiên hợp tác với các trường Đại học quốc tế và rất nỗ lực trong việc mở rộng các phương án giáo dục và đào tạo cho học sinh nước nhà sau cấp THPT, số lượng học sinh Việt đi du học vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong số đó nhiều sinh viên quyết định học đại học tại các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Pháp. 

Có thể thấy, môi trường giáo dục tại Việt Nam đang cần có thêm các trường đại học chất lượng, với bằng cấp được chứng nhận quốc tế và học phí cạnh tranh, hứa hẹn cơ hội đầu tư lớn.