07:00 10/12/2019

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Lâm Phong

Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực

Theo mục tiêu được Chính phủ đặt ra, đến năm 2020 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực.

Để góp phần giải bài toán thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử: Chuyển động cùng công nghệ chip". 

Diễn đàn thực sự là tiếng nói quan trọng của các bên khi mà Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đang bước sang giai đoạn nước rút và con số mục tiêu 30% tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến năm 2020 dường như khó đạt được.

Theo số liệu mà Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương đưa ra, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Trước thềm diễn đàn, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, quản lý ngân hàng. Các chuyên gia dẫn chứng: từ năm 2015, tại Thuỵ Điển, tổng giá trị tiền mặt được dùng để thanh toán chỉ chiếm khoảng 2% tất cả các giao dịch thanh toán. 

Cũng theo thống kê, đến hết năm 2015 có 900 trong tổng số 1.600 chi nhánh ngân hàng tại Thụy Điển không còn giữ tiền mặt hay nhận tiền gửi của khách hàng bằng tiền mặt và các máy rút tiền tự động (ATM) dường như rất khó tìm tại đất nước này.

Trong một hội thảo về xã hội không tiền mặt mới đây, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng Thư kí Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng dẫn chứng, tại Trung Quốc, mặc dù đi sau Mỹ về độ phủ ngân hàng, nhưng nhờ thanh toán điện tử, họ trở thành đi đầu và vượt xa các nước về thanh toán điện tử. Thậm chí họ không dùng tiền mặt nữa; người dân thanh toán cho cả những món hàng giá trị nhỏ bằng điện thoại, mã QR... 

Các doanh nghiệp trung gian thanh toán tại Trung Quốc đã cố gắng để tối đa hóa kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử, không cần phải giấy tờ, không cần phải xếp hàng, không cần quá nhiều bước xác thực...  

"Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25 đến 30% mỗi năm, riêng năm 2018, tổng giá trị giao dịch đạt 8 tỷ USD. Đúng ra, sự gia tăng của thương mại điện tử phải kéo theo sự gia tăng của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam thì khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền. 

Điều đó cho thấy rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt", ông Phạm Tiến Dũng,  Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước nhận định. 

Tuy nhiên, một vấn đề được các chuyên gia đưa ra là muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có khoản 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. 

Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và fintech trong việc thúc đầy thanh toán không tiền mặt. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, chúng ta phải đáp ứng được hai vấn đề. Thứ nhất là Chính phủ tạo phải điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty fintech, bigtech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn. 

Vấn đề thứ hai là nâng cao ý thức của người dân về việc thanh toán không tiền mặt. Phải cho người dân thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử khác...

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đầy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều chuyên gia cũng dẫn chứng, như tại Thụy Điển, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm sử dụng tiền mặt tại một số dịch vụ công như trong sử dụng phương tiện giao dịch công cộng như xe bus, tàu... 

Tại Pháp và Bỉ đưa ra quy định giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 EUR phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất cao. Còn ở Hàn Quốc đã áp dụng chính sách khấu trừ 1% tổng số VAT thu được trên doanh số bán cho các đơn vị chấp nhận thẻ, khấu trừ 10% thuế thu nhập đối với các khoản chi bằng thẻ vượt quá 10% thu nhập hàng năm.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; và đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.