09:56 29/06/2021

Tiền bớt dồi dào, đã có “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động

Nếu các ngân hàng sớm được nới room tín dụng và đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm. Khi đó, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước...

Ghi nhận trong tuần từ 21-25/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không có giao dịch mới trên thị trường mở. Tuy nhiên, lãi suất VND liên ngân hàng dao động theo xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống qua các phiên.

Cụ thể, chốt phiên 25/6, các mức lãi suất dừng tại qua đêm 1,2% (tăng 0,13 điểm phần trăm); 1 tuần 1,32% (tăng 0,07 điểm phần trăm); 2 tuần 1,41% (tăng 0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 1,54% (tăng 0,01 điểm phần trăm).

Xu hướng tăng còn kéo dài cho đến phiên giao dịch đầu tuần này (28/6). Theo đó, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng thêm 0,05 – 0,12 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch tại: qua đêm 1,25%; 1 tuần 1,43%; 2 tuần 1,53% và 1 tháng 1,60%.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn VND khi thời điểm cuối quý đang đến gần đã khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích tăng.

Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận từ đầu năm đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 5,1%, tương đương với việc các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 470.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng đang “nhấn ga”. Đặc biệt, nếu các ngân hàng thương mại được giao chỉ tiêu mới, tăng trưởng nửa đầu năm có thể đạt mức 6%.

Tiền bớt dồi dào, đã có “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động - Ảnh 1

Tại phát biểu chỉ đạo gần nhất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, thanh khoản hệ thống vẫn dôi dư từ đầu năm, chỉ báo lãi suất liên ngân hàng tăng chỉ cho thấy thanh khoản các ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Mặt khác, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hạn mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã giao tới các ngân hàng không phải con số cứng mà sẽ được xem xét thay đổi theo tình hình hoạt động trong năm của ngân hàng cũng như nhu cầu của nền kinh tế.

Cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng của từng ngân hàng để xếp hạng và cấp tín dụng linh hoạt theo từng thời điểm.

 

Hiện có khoảng 10 ngân hàng nộp đơn xin Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tăng trưởng tín dụng.

“Trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng và đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, trong khi lãi suất huy động thấp sẽ khiến chênh lệch huy động – cho vay nới rộng. Khi đó, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước”, ông Tuấn Anh nói.

Còn theo nhóm phân tích tại SSI, khi hệ thống ngân hàng bớt dồi dào tiền, đã xuất hiện “ông lớn” tăng lãi suất.

Tiền bớt dồi dào, đã có “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động - Ảnh 2

“Ông lớn” được SSI nhắc đến chính là Vietcombank. Ngân hàng này đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức tương đương 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến đầu tuần trước.

Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại "Big 4" đều là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, Agribank, BIDV đều niêm yết 5,6%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn một chút ở mức 5,5%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank niêm yết mức 5,3%/năm trong khi 3 ngân hàng còn lại đều ở mức 5,6%/năm. 

“Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021”, nhóm phân tích tại SSI đưa ra dự báo.

Tại diễn biến liên quan, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu khá thành công với 6,27 nghìn tỷ đồng trái phiếu được phát hành, tương ứng 90% tổng lượng gọi thầu, lãi suất trúng thầu giảm 1-3bps ở kỳ hạn 5 năm và 10 năm, giữ không đổi ở kỳ hạn 15 và 30 năm.

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 99,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần lượng phát hành trong cả quý 1/2021. Trong phiên gọi thầu cuối cùng của tháng 6 trong tuần này, Kho bạc Nhàn ước dự kiến gọi thầu 6 nghìn tỷ đồng. Nếu toàn bộ được phát hành, cơ quan này đã hoàn thành 105,3% kế hoạch phát hành quý 2/2021. Hiện tại, lợi thế vẫn đang thuộc về Kho bạc Nha nước và lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn chịu áp lực giảm.