22:59 26/02/2019

Tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội

An Nhiên

Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã chứng minh mối liên hệ giữa việc sử dụng quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và cảm giác trầm cảm, cô đơn. Nghiên cứu cho rằng việc giảm sử dụng phương tiện truyền thông sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm trạng buồn chán.

Mạng xã hội kết nối con người nhưng cũng dẫn đến vô số nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là trầm cảm. Giáo sư Myung Woo-jae từ Bệnh viện Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "Sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý người dùng, đặc biệt với những ai không giỏi quản lý cảm xúc. Nếu người dùng mãi mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm là điều khó tránh khỏi".
Tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội - Ảnh 1.
Mạng xã hội làm tăng cảm giác cô đơn Nghiên cứu của Đại học Pennsylvania được tiến hành với 143 tình nguyện viên trong 4 tuần. Khi bắt đầu nghiên cứu, tất cả hoàn thành bảng hỏi về tần suất, mức độ, thời gian dành cho mạng xã hội và trạng thái cảm xúc. Những người tham gia tuần đầu tiên vẫn sử dụng mạng xã hội như bình thường. Trong 3 tuần tiếp theo, các đối tượng tham gia chia thành 2 nhóm dưới sự kiểm soát: một nhóm vẫn sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat bình thường như trước khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm thứ hai chỉ sử dụng những ứng dụng của mạng xã hội này 10 phút mỗi ngày. Kết quả cho thấy, nhóm không bị kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội sau 3 tuần báo cáo cảm thấy cô đơn hơn sau khi sử dụng mạng xã hội. TS. Hunt - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Khi bạn sử dụng các trang mạng xã hội, bạn thường có xu hướng kết luận rằng cuộc sống của người khác tốt đẹp, mỹ mãn hơn của bạn". Điều này khiến bạn chán nản, thất vọng về bản thân và những điều bạn có dễ dẫn đến stress. Không có thời gian tối ưu được các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng phương tiện truyền thông, tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc giảm sử dụng mạng xã hội ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tinh thần. Nguyên nhân của hiện tượng trên bao gồm áp lực, kỳ vọng ảo về việc tương tác trên mạng xã hội, quá nuông chiều bản thân cũng như luôn so sánh và thấy mình kém hơn người khác. Vì luôn muốn được chú ý nên có những người liên tục cập nhật tài khoản của mình hay để lại bình luận trên bài đăng của người khác. Nếu lượt tương tác không được như mong đợi mà thay vào đó là những bình luận thiếu thiện chí, rất có thể người dùng sẽ thấy buồn chán hoặc thất vọng. Trong khi đó, theo Reuters, trên tạp chí E Clinical Medicine, dựa trên thông tin 11.000 thanh thiếu niên, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện trẻ gái 14 tuổi là nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. 40% nhóm này dành hơn ba giờ mỗi ngày cho việc online, gấp đôi trẻ trai cùng tuổi. 12% người dùng ít và 38% người dùng nhiều mạng xã hội (trên 5 tiếng mỗi ngày) xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng. Ở khía cạnh khác, 40% nữ và 25% nam từng bị quấy rối hoặc bắt nạt trực tuyến. Giấc ngủ chất lượng thấp cũng được ghi nhận ở 40% nữ và 28% nam. Trên thực tế, lo âu và ngủ kém đều có quan hệ trực tiếp với bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, nữ giới bị ảnh hưởng nhiều hơn và thường xuyên lo lắng về bề ngoài, hình ảnh bản thân.
Tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội - Ảnh 2.
Cách điều trị trầm cảm do mạng xã hội
Theo chuyên gia, dừng tất cả các hoạt động trên mạng xã hội một cách đột ngột không phải là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả bởi người dùng sẽ quay sang nghiện tivi hoặc game online. Thay vào đó, các chuyên gia gợi ý mỗi cá nhân nên giảm dần dần thời gian online. "Lướt mạng xã hội vào ban đêm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Mọi người chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào ban ngày, tránh để ảnh hưởng đến giấc ngủ," giáo sư Myung đưa ra lời khuyên. Trên hết, cách tốt nhất để điều trị căn bệnh trầm cảm do mạng xã hội là tìm cho mình một sở thích mới. Một khi bận rộn, bạn sẽ không còn thời gian online. Ngoài ra, nếu lên mạng xã hội, hãy tránh tham gia tranh luận bởi những cuộc cãi vã này không bao giờ kết thúc. Thậm chí, bạn nên phớt lờ tất cả các bình luận. Mục đích của mạng xã hội là ghi lại cuộc sống, kết nối bạn bè nên việc bận tâm đến suy nghĩ của người xa lạ thật vô nghĩa. Trường hợp chứng mất ngủ và những suy nghĩ tiêu cực vẫn tiếp tục bám lấy bạn, hãy gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Yvonne Kelly, giáo sư tại Viện Dịch tễ và Chăm sóc Sức khỏe (Đại học London), đồng trưởng nhóm nghiên cứu, khuyến cáo cha mẹ và các nhà hoạch định chính sách cần chú ý hơn tới vấn đề sử dụng mạng xã hội. Cần có nhiều sự kiểm soát hơn cho việc này, nhất là ở đối tượng người dùng trẻ tuổi. Cha mẹ nên xem xét thời điểm và nơi phù hợp để dùng mạng xã hội, bên cạnh việc giới hạn sở hữu hoặc sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ của con cái.