08:37 05/10/2018

Sá sùng: món ăn đại bổ

Hoài Phương

Sá sùng - loại hải sản được ví như "mì chính tự nhiên",  là một loại hải sản quý. Xưa kia, sá sùng thường được dùng làm cống vật cho vua, quan. Chỉ những người giàu có mới có điều kiện sử dụng.


Ngoài tên gọi sá sùng, nhiều vùng còn gọi loài hải sản này là sâm đất, sâu biển, giun biển, sâu cát… Con sá sùng trưởng thành dài từ 7 - 15cm. Sá sùng có nhiều ở các bãi cát pha bùn thuộc vịnh Bắc Bộ như Minh Châu, Quan Lạn, Đông Linh, hay ở các tỉnh phía trong như vùng Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và ngon nhất thì chỉ có sá sùng ở vùng biển Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Vào tháng 3 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm sá sùng đạt đến vị ngon nhất, nên người ta thường chỉ khai thác chủ yếu vào thời gian này.
Sá sùng: món ăn đại bổ - Ảnh 1.
Sá sùng bắt về, lộn ruột ra, xát muối và rửa nhiều lần cho sạch cát. Có thể cắt bỏ vòi sá sùng vì vòi là nơi chứa nhiều cát nhất, cho vào chảo rang nhỏ lửa (không cần cho dầu) để sá sùng chín vàng. Dược liệu có hình dạng như miếng vỏ cây khô quăn queo, có thể bảo quản được trong thời gian dài. Gần đây, những "cọng cây" này có giá lên đến 5 – 6 triệu đồng/kg, vì được cho rằng có khả năng tăng cường sức khỏe, cải thiện khí lực.
Sá sùng: món ăn đại bổ - Ảnh 2.
Theo kinh nghiệm truyền trong dân gian thì sá sùng phơi hoặc sấy khô, nướng giòn rồi tán nhỏ thành bột mịn, pha với nước cơm đang sôi, hấp chín cùng cơm rồi ăn rất tốt cho sức khỏe. Sách Đông y cổ cho biết: "Sá sùng tán nhỏ thành bột mịn rồi uống với liều lượng từ 6 đến10g mỗi lần với nước ấm hoặc ngâm rượu, uống hàng ngày rất bổ thận, tráng dương, ích tinh chữa yếu sinh lý, liệt dương". Một số người còn dùng sá sùng hấp với lá dâm dương hoắc để chế thành món ăn bổ dưỡng ngũ tạng, tư âm tráng dương, tăng cường khí lực.
Sá sùng: món ăn đại bổ - Ảnh 3.
Theo y dược học cổ truyền ghi sá sùng vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị. Theo đó, sá sùng thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng chưng bốc ở tầng sâu bên trong, hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, vã mồ hôi trộm do âm hư, trong ngực bứt rứt buồn bực không yên, răng lợi sưng đau, ho khạc đờm nhiều do phế hư, tiểu đêm nhiều...Theo lương y Trần Văn Quảng (Thày thuốc ưu tú, Ủy viên thường trực Hội Đông y Việt Nam): "Sá sùng là một một vị thuốc quý, nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Nếu dùng 5g sá sùng khô, 5g thanh cao và 3g địa cốt bì sắc uống mỗi ngày 1 thang sẽ trị được chứng nóng chưng bốc. Còn nếu dùng 5g sá sùng khô, 5g cát cánh và 3g tuyền phúc hoa sắc uống mỗi ngày 1 thang sẽ chữa được bệnh hen suyễn ho khạc đờm nhiều. Sá sùng tươi hoặc khô tán mịn pha uống mỗi ngày 2 lần còn có thể chữa bệnh đau răng lợi. Trong vô số công dụng theo kinh nghiệm y học dân gian thì công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường "bản lĩnh đàn ông" được quan tâm và đồn thổi nhiều hơn cả..." Chính vì gần đây nhiều người  lùng mua sá sùng về sử dụng khiến loài sinh vật biển có bề ngoài giống giun đất này được gắn mác "thần dược" và bán với giá đắt đỏ.
Sá sùng: món ăn đại bổ - Ảnh 4.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và các khoáng chất nên là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Theo đó, sá sùng chứa tới 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin. Đặc biệt trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Sá sùng do đó có thể chế biến thành món ăn cho người ốm bồi bổ sức khỏe.