09:58 06/07/2019

Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ

Tường Bách

Đông Hà là điểm dừng chân mà khách du lịch chọn khi đến Quảng Trị để khởi phát đi các tour trong toàn tỉnh. Điểm mạnh của Đông Hà là dịch vụ lưu trú, mua sắm và ẩm thực địa phương.


Con sông Hiếu là một nhánh nhỏ của sông Thạch Hãn, chảy qua Cam Lộ, Đông Hà. Sông chảy theo hướng đông nam, dọc theo bờ là thành phố Đông Hà cùng nhiều huyện xã xinh đẹp, thơ mộng như những bài thơ. Người xưa có câu: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Xứ sở Đông Hà hình thành nên từ ba ngôi làng gồm Tây Trì, Đông Hà và làng Điếu Ngao, ôm gọn vào lòng mình cả ba ưu thế đó để trở thành trung tâm của tỉnh Quảng Trị về nhiều mặt.Trong kí ức của cư dân gắn bó với Đông Hà gần trọn đời người, Đông Hà hôm nay đã khoác lên một tấm áo mới. Những tòa nhà cao tầng, biệt thự mọc lên bên những hàng cây xanh mướt thay vì vài ba dãy nhà là trụ sở của các cơ quan nhà nước đơn điệu như cách đây hơn 15 năm về trước. Tuy vậy, thành phố trẻ này vẫn mang trong mình nét đẹp bình yên và hoài cổ với nhiều nhiều di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia là Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, đình làng Nghĩa An cùng hệ thống giếng Chăm và chợ Đông Hà có kiến trúc như một con thuyền vươn ra biển lớn.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 1.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 2.
Nằm bên bờ bắc sông Hiếu thuộc địa phận làng Nghĩa An, hệ thống giếng cổ làng Nghĩa An, được coi là thành tựu văn hóa mà một bộ phận cư dân cổ Chămpa đã làm nên. Các giếng nước tạo thành một bể chứa nước lớn ngay tại chân mật nước ngầm. Các mạch nước này thuận tự nhiên chảy trực tiếp ra bể chứa được kè bởi những tảng đá to nhỏ khác nhau. Các bể chứa luôn có một cửa thoát ra ruộng bằng những đường mương, khe chảy cũng được tạo thành bằng cách xếp đá. Bể chứa là nơi người dân dùng để lấy nước ăn ở khu vực bên trong gần miệng mạch nước ngầm, phần bên ngoài là nơi để tắm, giặt... Khung cảnh nơi này đem đến trải nghiệm như trở về cội nguồn của cha ông ta thời xưa - ngày các mẹ, các chị vẫn ra giếng làng gánh nước, trẻ con thi nhau quẫy nước tắm tuổi thơ, đàn trâu bò ung dung uống nước mỗi chiều về no cỏ...
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 3.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 4.
Bây giờ, ở thành phố Đông Hà, điểm đến của nhiều bạn trẻ có niềm đam mê nhiếp ảnh là tầng cao nhất của khách sạn Mường Thanh và khách sạn Sài Gòn- Đông Hà. Họ tụ tập cà phê, ngắm thành phố từ trên cao và đón gió. Thành phố lô xô nhà cửa, nhiều sắc màu tươi tắn xen kẽ với những vệt ruộng vườn, cây xanh, hồ nước. Tuyến đường sắt vạch ngang qua thành phố, tiếng còi tàu riết róng chia âm thanh làm hai nửa, một bên tan vào với gió trời, cây cỏ, thôn làng và một bên giục giã trong từng ngõ ngách phố xá mới. Những con đường ngắn chạy qua dãy phố nhỏ đan cài với nhau. Chỉ sáng ra và chiều muộn là có chút lao xao tấp nập, còn lại nhịp sống của cư dân Đông Hà vẫn giữ được sự chậm rãi, thư nhàn.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 5.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 6.
Theo đường Hùng Vương nối dài vào phía Nam chút thôi, đã thấy rừng đang lớn tràn ra tận lề đường cái quan. Chim làm tổ, đẻ trứng, tập bay cho con cả trên chậu cây cảnh đặt ngay trước tiền sảnh của một công sở lớn luôn nhộn nhịp người ra vào. Chỉ bên này sông thôi, chợ Đông Hà như sôi lên, hối hả trong nhịp điệu thương trường thì bên kia sông, những con đường thâm nghiêm, thơ mộng lẫn vào trong tre trúc vẫn an nhiên đó.Chợ Đông Hà là một thiên đường ẩm thực bình dân với đủ các loại món ăn, hàng quán, từ bánh bèo, bánh ram ít, bánh nậm, đến bánh canh, thấu, bún hến…  Nhưng mà đã xuống chợ, thì chắc chắn chả thể nào bỏ qua thau bún nghệ vàng ươm đầy mời gọi được. Bún nghệ đơn giản chỉ là bún xào với nghệ giã ra, xào chung với lòng, tiết, gan, nội trường, dồi heo…, rắc thêm hành lá và lá hẹ cùng với củ nén, tất cả trộn chung vào một cái nồi hoặc cái thau nhôm đặt trên một cái bếp than nhỏ để giữ nóng.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 7.
Đông Hà: thành phố thư nhàn như một bài thơ - Ảnh 8.
Ghé ngồi xuống bên cạnh đôi quang gánh, một bên bỏ nồi bún, một bên bỏ nước mắm, rau ngò..., rồi gọi một đĩa bún. Cô bán hàng sẽ nhanh nhẹn mà xới bún lên, đảo qua lần nữa cho nóng rồi dùng cái muôi múc vào một chiếc đĩa, tùy người ăn muốn ăn lòng, tiết hay dồi, phèo mà cô sẽ bỏ thêm cái đó. Rồi thì xúc thêm ít nghệ vàng tươi, rưới một ít nước mắm ớt cay nồng đo đỏ, rải thêm ít ngò xanh xanh cho thơm rồi rắc thêm chút tiêu đen đen, vậy là có ngay một đĩa bún nghệ vừa làm nức lòng vừa làm đã mắt kẻ đang cồn cào với cái bụng réo rắt.Cách thành phố Đông Hà 15 km, bãi tắm Cửa Việt nằm ở địa phận Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cửa Việt trải dài với bãi tắm rộng, cát trắng mịn, sạch sẽ bên những rừng dương xanh. Trong cái nắng cháy của gió Lào, cát trắng, được phơi mình trong dòng nước trong xanh, trên bãi cát trắng mịn sẽ là những giây phút thật sảng khoái, khó quên. Bãi biển Cửa Việt sóng nhẹ, các dịch vụ đều phục vụ khách với giá cả phải chăng. Hải sản ở đây rất tươi và ngon, đặc biệt là tôm hùm.