17:28 01/12/2015

Những xu thế thời đại

PV

The Original High – Adam Lambert

Album phòng thu thứ 3 của ngôi sao trẻ cá tính dù gây ra nhiều tranh cãi trong giới phê bình nhưng vẫn được công chúng yêu thích và bán rất chạy ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Phong cách chủ đạo của The Original High là synthpop (pop điện tử) pha trộn với funk, dance, house nhưng tuyệt đối không có màu sắc của R&B và hip-hop. Như thường lệ, Adam Lambert vẫn chinh phục người nghe bằng giọng hát cao vút, khỏe khoắn và sung mãn gợi nhớ đến một Freddie Mercury năm nào (trên thực tế, Adam Lambert cũng từng lưu diễn với các thành viên còn lại của nhóm Queen và biểu diễn rất thành công nhiều bài hit kinh điển). The Orginal High mang đến cho công chúng sự hứng khởi qua từng điệu nhạc nhưng cũng không hề thiếu thốn cảm xúc – mà đỉnh cao chắc chắn phải là Ghost Town – ca khúc Adam Lambert cũng tham gia vào khâu sáng tác. Một album nhạc đầy bất ngờ, hấp dẫn, lôi cuốn và tràn ngập hơi thở đương đại. Chủ yếu dành cho nhóm người nghe trẻ tuổi. Có bản CD và bản lossless HD bán trên website hdtracks.com. Before This World – James Taylor

Sau 12 năm nghệ sĩ gạo cội đa tài người Mỹ mới ra mắt thêm một album gồm toàn các sáng tác mới và ngay lập tức được cả giới phê bình và công chúng tán thưởng nhiệt liệt. Dường như giọng hát của James Taylor không hề chịu ảnh hưởng của thời gian, sự êm ái, dịu dàng còn vẹn nguyên, vẫn đủ sức lôi cuốn bất kỳ thính giả nữ nào. Before This World thực sự mộc mạc, giản dị với ban nhạc chỉ gồm một guitar, một trống và một bass, nhưng cũng nhờ thế mà vẻ đẹp hoàn hảo của giai điệu mới trở nên nổi bật. Nhưng sự xuất hiện của một số khách mời đặc biệt như cellist Yo-Yo Ma, ca sĩ Sting hay vợ và con của James Taylor trong vài ca khúc càng làm tăng thêm sức lôi cuốn của Before This World – được xếp vào danh sách những đĩa nhạc đáng được trông đợi nhất năm 2015. Thô tháp nhưng tinh tế và đầy góc cạnh, Before This World có chất pop hòa điệu cùng rock, jazz, một chút folklore và Latin, như đưa người nghe về với thập niên 1970 bừng bừng sức sống. Chất lượng album rất tốt và mang màu sắc của một buổi biểu diễn live hơn là ghi âm trong phòng thu. Shine On – Sarah McLachlan

Một album nhạc pop nhưng lại ghi âm cho hãng Verve, vì thế, không ngạc nhiên khi có màu jazz phảng phất trong Shine On. Cũng như mọi đĩa nhạc ra mắt trước đó, Shine On vẫn giúp Sarah McLachlan tỏa sáng bằng khả năng sáng tác độc đáo cùng giọng ca ấn tượng cũng như khả năng chơi nhạc cụ tuyệt hảo, chứng tỏ cô là một nghệ sĩ toàn tài. Shine On không thực sự tươi tắn như bìa đĩa, cả album vẫn là những ca khúc chậm rãi, tự sự, với lối hòa âm mộc mạc và có một chút khoan nhặt, đẩy đưa rất nhẹ nhàng. Mở đầu bằng In Your Shoes tràn đầy năng lượng, cô dẫn dắt người nghe qua những câu chuyện tình yêu lãng mạn, những truyền thuyết xa xôi bằng lối hát của một người kể chuyện, một người đã nhìn thấu những buồn vui của đời. Song For My Father là một điểm nhấn hết sức độc đáo, nó làm cho những người sành nhạc phải nhớ đến lối hát bè của Simon & Garfunkel thuở nào, và chỉ một guitar acoustic đệm càng làm cho ca khúc trở nên lắng đọng và dễ thẩm thấu hơn dù nét giai điệu khá phức tạp. Shine On độc đáo nhưng không phải ai cũng cảm nhận được hết cái hay của nó, chắc chắn như vậy. Ceremonials – Florence + The Machine

Một kiệt tác của nữ nghệ sĩ đa tài đến từ Anh quốc, người sáng tác và trình bày hầu hết ca khúc trong album cùng ban nhạc do cô cầm trịch. Rất khó xếp Ceremonials vào dòng nhạc cụ thể nào bởi nó chao đảo giữa chất alternative rock bạo liệt và pop tươi tắn, tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận ra đây là một album mang tính tự sự cao, màu sắc có phần u ám, không dễ thưởng thức trong lần đầu tiên nhưng lại khiến người ta muốn nghe lại thêm nhiều lần nữa. Giọng hát của và phong cách biểu diễn của Florence “quái” như các sáng tác của cô, gợi nhớ nhiều đến Tori Amos nhưng chắc chắn là trẻ trung và khỏe khoắn hơn nhiều. Mỗi ca khúc như một câu chuyện kể, có thể mạnh mẽ dữ dội cũng có thể buồn bã ảm đạm nhưng luôn đong đầy cảm xúc của người thể hiện, chưa kể đến phần nhạc đệm hay tuyệt của ban The Machine. Ceremonials không chỉ được công chúng nhiệt tình đón nhận mà còn chiếm được cảm tình của giới phê bình khó tính – một album được nhiều tạp chí âm nhạc xếp vào dạng buộc phải nghe để hiểu rõ hơn các xu hướng âm nhạc đương đại. Hấp dẫn không không thua kém bất kỳ album nào của Adele hay Lana Del Rey. My Dream Duets – Barry Manilow

Album ra mắt hồi cuối năm 2014 đã nhận được vô vàn lời khen tặng của công chúng, thậm chí nhiều người còn coi đó là một dấu ấn sáng giá trong sự nghiệp đã về chiều của giọng ca cựu trào người Mỹ. Vẫn chỉ là tập hợp những bản cover các ca khúc kinh điển nhưng đây đúng là một tác phẩm nghệ thuật đầy hoài niệm, dễ nghe, dễ cảm thụ, dành cho những người đã và đang bước vào độ tuổi trung niên. Mọi ca khúc trong My Dream Duets đều xứng đáng được coi là điểm nhấn, sự lôi cuốn đến từ mọi yếu tố: phần trình diễn của các ca sĩ, ban nhạc, hòa âm. Giọng hát của Barry Manilow dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn rất ngọt ngào và vô cùng ăn ý với những Frank Sinatra, John Denver, Dusty Springfield, Mama Cash hay Whitney Houston – đều là những nghệ sĩ đã khuất. Kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã mang đến sự hòa hợp tuyệt vời giữa bản ghi cũ và mới, như thể Barry Manilow và các nghệ sĩ cùng vào phòng thu với nhau vậy. Barry Manilow đã gọi album này là “điều kỳ diệu” và hầu hết công chúng cũng đồng ý với ông. Cực kỳ đáng thưởng thức!

Hoàng Cương