17:45 02/01/2019

Những thức quà Đồng Văn

Tường Bách

Sáng Chủ nhật, chợ phiên Đồng Văn bắt đầu trong sương mờ và ẩm ướt. Có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ.


Những thứ được đồng bào bày bán, trao đổi ở chợ phiên thì vô vàn. Rau cả gùi xanh mướt. Thịt lợn, thịt trâu bò treo cả con hoặc những súc lớn. Súc vật như chó, lợn, gà, bò, ngựa được cắp nách hay dắt bộ xuống chợ nom như một người bạn đồng hành. Rồi cả nông cụ lao động, quần áo, hóa mỹ phẩm... Những thứ liên quan đến đời sống của đồng bào miền núi đều có thể được tìm thấy tại đây.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 1.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 2.

Ảnh: internet

Độc đáo nhất ở chợ phiên Đồng Văn là thắng cố, một chiếc nồi to bốc khói nghi ngút luôn tập trung rất nhiều người đang ngồi ăn uống, trò chuyện rôm rả bằng tiếng dân tộc. Thắng cố là một món đặc sản nổi tiếng của Hà Giang. Ai đến đây cũng nên thưởng thức một lần. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.Giữa những bộ bàn ghế tuềnh toàng là một chiếc chảo lớn có đường kính khoảng 2m, bên trong là nội tạng của ngựa như lòng, phổi, gân, tim, tiết, xương… được nấu lẫn với hoa hồi, quế chi, thảo quả tỏa lên một mùi thơm béo ngậy, bốc khói nghi ngút. Tiếng Mông gọi thắng cố là Khấu Tha có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ ngũ tạng của bò, trâu hoặc dê, nhưng thắng cố bò là ngon nhất. Lấy lục phủ ngũ tạng và bốn chi dưới của con bò đem rửa sạch rồi thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, dổi, sả, gừng và đun nước sôi thì thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, ăn còn cái giòn giòn của miếng thịt thì cắt tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều khi tiết chín là được.  Với 30.000 đồng là bạn đã có một bát thắng cố to. Món này nhấm nháp cùng rượu ngô thì… bạn say lúc nào cũng không biết.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 3.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 4.

Ảnh: internet

Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi gỗ. Bên cạnh bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dầm thật cay. Một muôi thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ rất đậm đà. Ăn thắng cố nhất thiết phải có bạn để hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe và cười vang chợ. Uống rượu đến độ ngà ngà sẽ hát và thổi khèn. Con trai con gái đều có thể say rượu bên bàn thắng cố.Mấy cô gái người Mông thường cất giọng hát ở đầu dãy thắng cố rằng: "Tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày. Tay em biết cầm sợi se lanh, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm... ". Tiếng hát của người có men rượu và say tình thật mượt mà, đằm thắm. Những anh chàng người Mông trẻ tuổi đắm đuối hát gọi bạn tình, các thiếu nữ có chút men rượu má đỏ hồng như bông hoa rừng hát đáp. Những hẹn hò được gửi qua lời ca.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 5.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 6.

Ảnh: internet

Trong chợ phiên, dãy bán các loại bánh, xôi cũng khá đông khách. Nào là mùi bánh rán thơm phức tỏa ra từ những chảo mỡ đang sôi ùng ục, rồi thì bánh bao, xôi ngũ sắc được nhuộm từ nhiều loại lá rừng. Bánh bột ngô và bột tam giác mạch được nướng ngay trên than hoa, tỏa mùi thơm nức mũi. Dãy bán rượu ngô trong chợ cũng khá đông khách. Hàng trăm chiếc can nhựa đựng rượu xếp thành hàng dài, người mua nếm rượu bằng nút can. Đặc biệt, người mua được nếm rượu thoải mái mà không phải trả tiền. Cứ mỗi hàng nếm một nắp, lần lượt đến cuối dãy hàng rượu thì cũng là lúc người nếm say mềm môi.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 7.
Những thức quà Đồng Văn - Ảnh 8.

Ảnh: internet

Một thứ quà lưu niệm mà khách du lịch đi chợ phiên rất thích, là khăn. Người Mông ở Đồng Văn có một chiếc khăn dài nhiều dải màu rất đẹp và đặc biệt bởi là vật cha truyền con nối. Khăn có màu hơi cũ xỉn và nếu mua được khăn xịn thì sẽ phải trả hàng triệu đồng. Có một số loại tương tự đã được làm nhái và bán rẻ hơn từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn. Khăn màu càng tươi mới thì càng không phải là khăn thật. Nhưng có sao đâu, bạn cứ tìm mua lấy một chiếc khăn vuông choàng đầu màu xanh, đỏ, cam hoặc kẻ sọc, đem đội lên đầu hay quàng qua vai để tìm cho mình được sự hồn nhiên, trong trẻo và mộc mạc của người vùng cao…