14:38 04/07/2018

Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy

Khải Đơn

Có lẽ không đâu ở Việt Nam hoang mạc lại rực rỡ đến thế.Người đi có thể "tắm" mình trong cát biển trắng phau, khô khốc khắp ngang dọc đường. Xương rồng xé toạc cả bầu trời. Mà bầu trời thì chẳng có gì hơn ngoài những ngọn núi đá trắng phếu, hùng vĩ đến nhức nhối.


Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 1.

Phan Rang ( Ảnh: Khải Đơn)

Núi đá – đồi cát
Đó là cách bạn nên chuẩn bị để không ngỡ ngàng khi đến Phan Rang. Vùng đất này rực rỡ theo kiểu nắng phủ hết lên trời đất, bất chấp mùa màng khí tượng của cả thế giới xung quanh ra sao. Ngay cả những ngày buổi chiều ở Phan Thiết lạnh 20 độ C thì Phan Rang vẫn cứ hùng hồn nắng đỏ lửa đến tận khi mặt trời lặn.Nếu bạn khởi hành từ Phan Thiết, hãy quên QL1A đi và cầm bản đồ lên, theo đường ĐT716 mà thẳng tiến đến Phan Rang. Bạn sẽ có hơn 42km huyền hoặc đắm mình trong hoang mạc trước khi phải căng mắt ra nhìn QL1A đầy ắp xe cộ và vô cùng xấu xí. Cung đường này ít người để ý đi vì nó "trái tính trái nết" quá, xuất hiện đâu đâu mà sau lưng Mũi Né. Nhưng đây là nơi bạn có thể thấy những đàn bò hàng trăm con lầm lũi bước đi trên thảo nguyên sặc màu đất đỏ, vó tung bụi mù, với những người chăn bò hệt như kẻ du mục trong phim, nón rơm, áo vải sờn màu, xé miền đất ráo hoảnh không chút nước non này mà đi. Chiều xuống, những trại bò côi cút nằm giữa đồi núi, thung lũng, có ánh lửa từ lều chăn bò rọi ra, leo lét, chập chờn.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 2.
Ở đây, những con đường xẻ ngang đồi cát. Có khi bạn bần thần cả người khi đứng trên một đỉnh đồi cao, thấy cát trắng phủ kín cả chân trời, xa xa là màu nước biển sắc như dao cạo. Cát trắng, cây bụi, xương rồng xanh, cái đẹp chứa màu khắc nghiệt đến xót lòng. Lữ khách có thể rách da, rám nắng và khô cả mắt mũi vì cát bay, gió nóng quanh năm của xứ này. Phan Rang là vùng bán hoang mạc ít mưa nhất Việt Nam.Bởi chỉ có cát trắng, mây bay, nên đây là vùng đất của những giàn nho xanh hiu hắt phủ mái dưới những quãng vườn nhỏ nằm lọt thỏm trong cát. Nho Phan Rang ngọt ngay, đã đời, lại ngâm thành rượu cho người xa mua về.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 3.
Ở Phan Rang có cả một dải làng quê của người Chăm sống. Làng gốm Bàu Trúc cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm chừng 6 km, là một ngôi làng ngay ngắn giữa cánh đồng lúa. Nhà nào trong làng cũng sẵn sân phơi đất, xưởng làm gốm, kệ bày hàng. Gốm Bàu Trúc không sơn thếp men màu, không tinh xảo đài các mà chỉ là gốm của nghệ sĩ chân đất, nặn bằng tay, vẽ bằng que tăm, que củi, nhưng cái đẹp của gốm thì xôn xao khác lạ. Bạn không tin cứ cầm cả đám tượng cá do nghệ nhân làng nặn lên mà xem, mỗi con vẫy đuôi một kiểu, há miệng một độ, to béo một kiểu. Để cả đàn cá gốm xuống đất, người mua cơ hồ có một bể cá sinh động nảy nở vô cùng. Gốm Bàu Trúc là vậy, màu đỏ gạch, nung quá lửa hay cố tình thì ra màu đen nâu, khối hình cứng mập, tròn trịa, khỏe mạnh, nhìn món đồ mà người ta có thể thương người thợ vì sự chân thành quá đỗi.Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm rất bé và đặc biệt. Nếu đi về hướng Tháp Chàm, bạn có thể gặp tòa tháp Po Klong Giarai.Đây là hệ thống tháp của người Chăm trên đỉnh núi.Ngày nay, trong những dịp lễ quan trọng, người Chăm vẫn đi lễ tại các tháp này.Bạn có thể đi bộ từ chân núi lên đỉnh núi để ngắm các tháp này, kiến trúc rất đặc biệt, và còn có thể nhìn thấy toàn bộ Phan Rang từ đây.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 4.
... vịnh biển trong lòng cátKhá ít người đi xa hơn sau khi dừng chân tại biển Ninh Chữ. Bãi biển này nằm sát bên hông thành phố, quá quen thuộc với những ai đến đây nghỉ ngơi, vui vẻ. Nhưng nếu bạn cứ thế từ đường Yên Ninh, đi thêm 30km nữa, qua biết bao nhiêu ruộng muối, làng trồng hành, làng cá cơm để chạm mặt với làng biển Vĩnh Hy thì đó là lúc bạn được đền đáp thực sự, bõ công đường bụi mù lầy lội xa xôi.Vĩnh Hy là một vịnh biển được ôm tròn bởi hai "vòng tay" là núi đá, tạo thành một khu vực lặng sóng để là chốn trú ẩn cho thuyền bè và là nơi cư ngụ của người dân làng biển Vĩnh Hy.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 5.
Đến Vĩnh Hy, người đi chơi sẽ phải đi qua Vườn quốc gia Núi Chúa.Nếu có thời gian, bạn dành khoảng một ngày để đi bộ tham quan vườn.Đó là những khu rừng dạng lá thấp nằm chồng chất lên nhau, xen giữa những khối đá chằng chịt khổng lồ. Sự khô hạn kiểu hoang mạc đã biến đá thành trắng phếu, cát lở lói tràn lấp đường đi, không một chút ưu đãi nào cho loài người, chỉ có sự nhọc nhằn hằn khắc lên từng cánh đồng ngắn ngủi, ruộng hành ngắn ngủi trong hoang mạc.Đến Vĩnh Hy, điều tuyệt vời nhất là bạn có thể ngắm làng từ đỉnh đèo.Ngôi làng như nằm giữa một vành trằn bằng đá, khắc sâu vào vịnh biển, bao bọc vởi màu xanh hệt như thuỷ tinh.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 6.
Mùa xuân là thời gian đẹp để đến Vĩnh Hy, khi nước biển như một khối thuỷ tinh khổng lồ và bầu trời hoang mạc không một gợn mây nào hết. Người đi chơi có thể dừng chân ở ngay giữa làng chài Vĩnh Hy, mua một cái vé đi tàu đáy kiếng 50.000đ, đi tàu thẳng ra giữa vịnh để nhìn thấy gương mặt hùng vĩ của những dãy núi đá nằm giữa vịnh biển. Thuyền sẽ dừng ở một vùng san hô nào đó để người đi chơi có thể ngắm nhìn san hô bên dưới đáy thuyền. Kinh nghiệm là bạn sẽ không thực sự thấy gì rõ ràng qua cái đáy kiếng của tàu đâu, nhưng nếu đứng trên boong tàu nhìn xuống thì nước biển trong suốt sẽ làm cả vùng san hô bên dưới nổi bật lên, long lanh, huyền ảo với những hình thù lạ mắt.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 7.
Ở Vĩnh Hy người ta không đi bẻ san hô bán cho du khách như một số vùng biển khác nên các bãi san hô vẫn còn khá nguyên vẹn, là món quà đãi mắt thực sự choo người ở xa đến.Ngay trong làng biển, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các khu nhà nghỉ trọ giá rẻ, hoặc hỏi nhà người dân cho ngủ trả tiền.Có vài cái resort mới mở, giá không cao, rất dễ dàng cho chuyến đi chơi của bạn. Nếu quá thèm ăn hải sản, bánh canh hay bánh căn, nhóm bạn có thể nói chuyện và nhờ một gia đình người địa phương nào đó nấu giúp mình và trả họ chi phí. Hải sản trong resort và khách sạn cũng không quá đắt tiền. Dân làng biển Vĩnh Hy rất thành thật, hiếu khách và làng biển cũng là nơi vô cùng an ninh, thanh bình.Buổi tối, nếu ngồi từ bờ kè nhìn ra xa, người ta thấy mình lọt thỏm trong một vùng trời tối om và lặng lẽ. Chỉ có bóng những con tàu đi qua chớp ngọn đèn tù mù. Chỉ có những đứa trẻ gọi nhau í ới chạy trên bờ kè tắm gió biển.Chỉ có cái cầu cảng mỏng manh, người ta ngồi trò chuyện, hát hò sau một ngày đi biển mệt. Và ngoài cây cầu dẫn vào làng, cũng chỉ có một cô hàng bánh căn đều tay đổ bánh với ba chai nước chấm đúng mùi vị địa phương, ăn không nhanh hết bánh ráng chịu.
Phan Rang: Đi qua hoang mạc đến biển Vĩnh Hy - Ảnh 8.
Khi đến Vĩnh Hy, người ta có thể cảm thấy mình rơi vào một vùng đất cô độc, xa thật xa khỏi thế giới ồn ào sinh động ngoài kia, chỉ có một con đèo, một vịnh biển, một cây cầu, và những con người vô tư tĩnh lặng ở đây dường như có một điều gì tách biệt hẳn với cuộc sống xa xa nào đó.Đó là lúc mình cảm thấy được một mình giữa biển rộng...
Đến Phan Rang- Phan Rang cách TPHCM 350km, bạn có thể mua vé xe tại Bến xe Miền Đông, đi từ tối đến sáng là tới nơi.- Để đến Vĩnh Hy, từ TP Phan Rang có thể tìm một trạm xe bus tên Phan Rang – Vĩnh Hy, đi chừng 45 phút là đến. Đường từ Phan Rang ra Vĩnh Hy có một đoạn rất xấu và bụi, vì là đường cát, nhưng cảnh tượng hai bên đường rất hùng vĩ.

Ăn/chơi ở Phan Rang- Trước khi vào Phan Rang, trên Quốc Lộ 1A, bạn có thể đến làng gốm Bàu Trúc. Gốm do người Chăm làm, các cửa hàng khác nhau sẽ có các mẫu gốm khá khác nhau (do chủ tự làm), rất thích hợp nếu tìm đồ trang trí trong nhà.- Đến Tháp Chàm: Từ đường 21/8 trong thành phố, đi ngược ra 6km sẽ đến khu di tích Tháp Chàm PoKlong Giarai là khối đền tháp theo kiến trúc của người Chăm được tôn tạo lại và bán vé tham quan.- Ở Phan Rang, để ăn hải sản, bạn có thể ra bờ biển ở cuối đường 16/4, đoạn cắt đường Yên Ninh. Hải sản ở đây cực rẻ, không cần trả giá, rất tươi ngon và các cô bán hàng làm nước chấm rất ngon. Ngồi ăn ở đây bạn có thể nhìn thấy biển trước mặt mình.- Đi dọc theo đường Yên Ninh, bạn sẽ gặp bãi biển Ninh Chữ và rất nhiều nơi vui chơi, resort bên đường.- Đặc sản ở Phan Rang: Bánh canh chả cá, cá dầm, bánh căn, bún mắm nêm...

Ăn/chơi ở Vĩnh HyVì chỉ là một làng biển nhỏ nên dịch vụ ăn chơi ở Vĩnh Hy khá ít.- Đi tham quan vịnh bằng tàu đáy kiếng: 50.000đ/vé tham quan, đi khoảng 45 phút, trong lúc đi sẽ có một đoạn dừng chân ở nhà bè hải sản để ăn và mua hải sản.- Đi tham quan vườn quốc gia Núi Chúa: Đến vườn quốc gia hỏi sẽ có nhiều dạng tham quan, đi bộ trekking tìm hiểu sinh thái địa phương.- Người chơi các môn như lặn biển, snoakling có thể thuê tàu đi lặn, ở đây có sẵn các dịch vụ này đầy đủ.