14:12 12/02/2019

Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm

Tường Bách

Năm nào cũng vậy, cứ đến sáng ngày mùng 8 Âm lịch, tại sân đình làng Thị Cấm, xã Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) lại diễn ra lễ hội kéo lửa thổi cơm.


Dưới làn mưa xuân ấm áp, sân đình làng Thị Cấm sáng nay nghi ngút khói và bập bùng ánh lửa. Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân trong làng và những vùng lân cận đã nô nức kéo về đình làng Thị Cấm chờ đợi hội thi thổi cơm đầy hấp dẫn. Đã lâu rồi, người ta mới được chiêm ngưỡng những món "đồ cổ" của ông bà ngày xưa. Ví dụ như bộ kéo lửa là chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn gồm rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang đánh lửa; cối đá và chày gỗ, đũa cả, kiềng ba chân… Trong khung cảnh cổ kính trang nghiêm của đình làng, lễ hội truyền thống với những vật dụng xa xưa này mang một phong vị rất khác lạ.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 1.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 2.

Ảnh: Phương Thảo

Đây là lễ hội văn hóa truyền thống được dân làng tổ chức để tưởng nhớ công ơn của Phan Tây Nhạc. Phan Tây Nhạc được vua Hùng thứ 18 phong cho làm tướng vì có sức khỏe và văn võ song toàn. Là một tướng tài, bên cạnh tài điều binh khiển tướng, ông còn thường xuyên tổ chức thổi cơm thi để chọn người hậu cần tài giỏi. Ông được quê hương tôn thờ làm thành hoàng làng.Theo truyền thống, những người dự thi được chia làm bốn giáp, mỗi giáp mặc trang phục màu sắc riêng để thi bốn bộ môn: kéo lửa, chạy thi, giã gạo, thổi cơm thi, trong đó phần thi "thổi cơm" có thời gian lâu nhất và quan trọng nhất.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 3.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 4.

Ảnh: Phương Thảo

Để bắt đầu, mỗi đội cử ra một cậu thiếu niên  tham gia phần chạy thi đi lấy nước ở "giếng nước thiêng"  của miếu làng cách đình làng chừng 1km về để nấu cơm. Tiếp theo, để có lửa thổi cơm, thành viên của các đội phải mài ống tre khô tạo ra ma sát để bắt lửa vào mùn cưa và rơm. Những người phụ nữ khéo tay nhất được lựa chọn cho phần thi thổi cơm, thi thổi cơm ở Thị Cấm có ba công đoạn "liên hoàn" như giã thóc, sàng thóc lấy gạo và thổi cơm. Nồi để nấu cơm là những chiếc niêu nhỏ đúc bằng đồng điếu, sau khi cơm sôi, các đội thường phải ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho cơm chín đều.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 5.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 6.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 7.

Ảnh: Phương Thảo

Sau khi hết thời gian quy định, các đội thi lần lượt mang niêu cơm lên mời "hội đồng chấm thi" gồm các bô lão uy tín trong làng nếm thử. Cơm được cho là ngon phải dẻo, không cháy, mở vung ra tỏa mùi hương gạo mới thơm nức. Cơm của đội nào nấu nhanh, cơm dẻo, chín đều, sẽ được các cụ lão niên xới ra bát rồi dâng lên báo cáo với tổ tiên và thành hoàng làng, cầu mong một năm mới no đủ, bội thu.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 8.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 9.
Về làng Thị Cấm, xem người thổi cơm - Ảnh 10.

Ảnh: Phương Thảo

Dù thắng hay thua trong cuộc thi, những người dân làng đều cảm thấy vui vẻ và tự hào với truyền thống thổi cơm thi của làng mình. Đây là lễ hội dân gian tốt đẹp mang đậm nét văn minh lúa nước của đồng bằng sông Hồng còn giữ gìn đến ngày nay.