23:11 25/06/2018

Đắk Nông "thay da đổi thịt" nhờ quả bơ

Chu Khôi

Cuối tuần qua tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình "Đắc Nông-Mùa bơ chín 2018". Tại đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh bơ là một trong những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, đang từng bước trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Một trong những thế mạnh của tỉnh Đắc Nông là có diện tích đất nông nghiệp lớn chiếm khoảng 90% đất tự nhiên. Đất bazan phân bố trên địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông hồ, là những ưu thế chính tạo thuận lợi để phát triển những cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ…Bơ đã trở thành cây trồng chủ lực  Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Trong đó, diện tích  trồng chuyên canh hơn 700ha, trồng xen canh gần 1.900ha. Năng suất bình quân trái bơ cho 10 - 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 so với trồng các loại cây lâu năm khác. Với giá bơ luôn ổn định suốt nhiều năm qua, mỗi ha cho thu hoạch 300-500 triệu đồng mỗi năm. Hiện nông dân ở Đắk Nông trồng nhiều giống bơ cho quả thơm ngon, năng suất cao như: bơ Cu Ba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp…  
Đắk Nông thay da đổi thịt nhờ quả bơ - Ảnh 1.
 "Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác so với các địa phương khác trong cả nước nên tỉnh Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái (quả) quanh năm từ tháng 1 đến tháng 11 hằng năm. Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái bơ to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp, thời gian bơ chín cho thu hoạch kéo dài so với bơ trồng ở các địa phương khác. Cây bơ là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là loại quả siêu thực phẩm", bà Hạnh nhận định. Ông Lê Văn Một - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tỉnh Đắc Nông cho hay, với những lợi thế nêu trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án tổng thể Chương trình "Đắc Nông–mùa bơ chín năm 2018", sẽ lần đầu tiên tổ chức tại thị xã Gian Nghĩa, tỉnh Đắk Nông từ 18-23/7/2018. Chương trình được tổ chức với hàng loạt hoạt động đặc sắc: Lễ mừng mùa bơ chín; Hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; Hội thảo Phát triển cây bơ bền vững, Hội thi trái bơ ngon…  Chương trình nhằm quảng bá sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước…  
Đắk Nông thay da đổi thịt nhờ quả bơ - Ảnh 2.
Chương trình là cơ hội để tăng cường hợp tác, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm bơ, nhất là các vườn bơ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông cũng chú trọng hình thành các chuỗi giá trị, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để hướng dẫn về quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm bơ giá trị, đủ sức cạnh tranh.
Nâng chất trái bơ để xuất khẩuTheo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, vào tháng 3/2018, trong chuyến thăm New Zealand, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông với các bên, bao gồm Cơ quan Hợp tác Chính phủ NewZealand (G2G), Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm và Công ty Cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao (Samagritech). Đây được xem là cơ hội lớn để nâng cao năng lực của ngành trồng bơ tại tỉnh Đắk Nông. Mục đích của nội dung ký kết là để xác định được thương hiệu cây bơ của Đắk Nông. Các đối tác sẽ nghiên cứu, chọn lọc giống bơ phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông, cũng như về lâu dài sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra. Về khâu chọn lọc, các đối tác sẽ tiến hành chọn lọc những giống bơ mà hiện nay thị trường thế giới đang ưa chuộng, đặc biệt là giống bơ Hass (nhu cầu thị trường thế giới cần hơn 80%). 
Đắk Nông thay da đổi thịt nhờ quả bơ - Ảnh 3.
Đối với Đắk Nông, từ năm 2014, giống bơ Hass này đã được người dân đưa vào trồng thử nghiệm và thâm canh. Hiện tại, diện tích giống bơ này chủ yếu phát triển ở vùng Đắk Mil. Cùng với việc chọn lọc, nghiên cứu giống bơ phù hợp, có giá trị kinh tế cao, được thị trường thế giới ưa chuộng đưa vào thử nghiệm, đối tác cũng cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các sản phẩm bơ, thu mua trái bơ tại Đắk Nông để xuất khẩu. Về lộ trình, sau khi ký kết, các đối tác cùng với chính quyền địa phương sẽ xây dựng một dự án chi tiết để triển khai các ký kết của hợp đồng. Hiện tại, các bên tham gia đã họp lại để xem xét nội dung, cũng như có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến các mô hình thử nghiệm, kinh phí, vấn đề chuyên gia trong và ngoài nước… Dự kiến, chương trình ký kết sẽ được triển khai từ tháng 7/2018. Quan trọng hơn, lộ trình này không chỉ thực hiện trong năm 2018 mà có thể kéo dài đến năm 2020. Các bên tham gia cùng với chính quyền địa phương sẽ thực hiện một số mô hình thử nghiệm, xây dựng khu quản lý giống, viện nghiên cứu giống bơ để triển khai ở một số Khu Nông nghiệp Công nghệ cao của tỉnh. Trong các chương trình thử nghiệm, các bên tham gia sẽ tiến hành nhân rộng, tìm ra vị trí địa lý, địa chất để phát triển cây bơ có giá trị kinh tế cao tại vùng, tiểu vùng của Đắk Nông.
Đắk Nông thay da đổi thịt nhờ quả bơ - Ảnh 4.
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho hay, ngày trước, người dân tại Đắk Nông trồng bơ chủ yếu để làm hàng rào và lấy bóng mát, quả bơ dùng để ăn trong nhà hoặc đem ra bán tại các chợ ở địa phương. Những năm gần đây, trái bơ dần trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, giá bơ cũng tăng lên theo từng mùa. Do vậy, các hộ nông dân trong tỉnh có xu hướng mở rộng diện tích vườn bơ, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng chục nghìn hộ gia đình. Mặc dù vậy, các giống bơ đưa vào sử dụng vẫn chưa được kiểm định chất lượng, không có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ. "Thông qua chương trình hợp tác với New Zealand, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn giống bơ chất lượng, mang lại năng suất và hiệu quả sản xuất cao. Với chiến lược khoa học, khả năng nắm bắt cơ hội cùng sự nỗ lực của địa phương, trong thời gian tới, cây bơ Đắk Nông hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên cả thị trường trong và ngoài nước", ông Yên nhấn mạnh.