11:45 20/03/2019

Rau rừng về phố và đắt khách

Phương Thảo

Rau ngó xuân, mầm đá, cải ngồng... vốn là những đặc sản miền núi đã khá "hot" ở thủ đô. Thời điểm giao mùa năm nay, lại thêm vài loại rau lạ xuất hiện.


Cứ khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ, các bà nội trợ tại các thành phố lớn lại đổ xô đi mua các loại rau rừng để đổi vị cho bữa ăn gia đình. Nổi bật với hương vị chua, đắng, chát, the, rau rừng có một hương vị khác lạ, không giống như các loại rau phổ thông. Do mọc tự nhiên nên rau rừng được tín nhiệm cao bởi tính chất thiên nhiên, thuần sạch.Những loại rau đang "hot"Hiện tại trên thị trường, "sốt sình sịch" nhất là rau dớn. Rau dớn là loài dương xỉ mọc hoang dại, ở trong rừng rau dớn thường mọc ở khe suối, bên những tảng đá. Rau dớn vừa là một loại rau rừng đặc sắc được nhiều người ưa thích vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa một số bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng, lợi tiểu, chống táo bón... Khi thu hái để làm rau ta chỉ ngắt những ngọn non cong cong như cái vòi voi, dài chừng một gang tay. Rau dớn có vị hơi nhơn nhớt, vì vậy trước khi chế biến món ăn phải chần sơ qua với nước sôi. Lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, làm nộm, cũng có thể dùng ăn sống.Một loại rau khác cũng đang được các bà nội trợ săn lùng thời điểm này là rau bò khai. Nghe cái tên không mấy hấp dẫn, và hương vị của rau bò khai cũng rất đặc biệt. Khi chế biến món ăn, người ta sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn rất thích loại rau này vì hương vị lạ và là rau sạch. Rau bò khai  là một loại rau có nhiều ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, điển hình như ở Lạng Sơn.
Rau rừng về phố và đắt khách - Ảnh 1.

Rau bò khai

Khoảng thời gian cuối xuân đầu hè là dịp nhiều loại rau rừng sinh trưởng tốt nhất, trong đó có cả rau tầm bóp. Thời chiến tranh, tầm bóp là loại rau "cứu đói" cho bộ đội và người dân. Hiện tại với bà con vùng núi, tầm bóp là loại rau ăn hàng ngày và ở một số vùng như Mộc Châu còn trở thành món ăn đặc sản. Vị đắng thanh mát là cảm nhận đầu tiên khi thưởng thức rau tầm bóp, có nhiều người còn kêu đắng và khó ăn. Nhưng sau vị đắng đó là vị ngọt vương vấn mãi, rất đặc biệt.Đặc sản ở phố thịNgười dân các tỉnh vùng cao chắc chẳng bao giờ nghĩ những loại rau dại mọc trên rừng, núi ngày xưa như rau bò khai, rau giảo cổ lam, rau ngót rừng… nay đã trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích. Đến thăm vườn rau bò khai của gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang), qua câu chuyện, trong mắt ông Chỉ ánh lên sự hy vọng. Ông tâm sự: "Xưa nghèo khổ, thiếu thốn, những buổi lên rừng bác thường tranh thủ hái ít rau về làm thực phẩm phục vụ bữa ăn của gia đình. Thật không nghĩ đến có ngày nhờ trồng các loại rau rừng này mà gia đình thoát nghèo..."
Rau rừng về phố và đắt khách - Ảnh 2.

Rau dớn rừng

Rau rừng có hương vị lạ, ăn ngon miệng và sạch nên khá được ưa chuộng. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ cả tiền triệu, đặt mua số lượng lớn về ăn dần. Theo khảo sát ở thời điểm hiện tại, thì giá rau bò khai khoảng 100.000 – 150.000 đồng/kg, rau sắng (rau ngót rừng) có giá 90.000 – 130.000 đồng/kg, rau tầm bóp 60.000 đồng/kg, rau pắc khỉ 90.000 đồng/kg, măng đắng 60.000 đồng/kg, rau ngó xuân 60 - 90.000 đồng/kg…"Nhiều nhà hàng hiện nay mở rộng phục vụ các món rau rừng để chiều lòng thực khách, nên việc tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên để tìm được nguồn cung chuẩn không phải đơn giản bởi ngay ở Hà Nội, một số vùng cũng thử nghiệm trồng các loại rau này rồi", anh Trần Hồng (Âu Cơ, Hà Nội) - chủ cửa hàng Rau sạch đại ngàn cho biết.Không chỉ mua rau rừng về ăn, gần đây nhiều người còn có xu hướng đặt mua các giỏ rau rừng làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Theo đó, mỗi giỏ rau rừng có giá giao động từ 300 – 500 nghìn đồng, tùy số lượng và loại rau mà khách lựa chọn. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này giá rau rừng khá rẻ vì sẵn hàng. Chỉ vài tuần nữa nắng lên, nguồn hàng ít, khi vận chuyển nhanh thối hỏng, nên giá có thể cao gấp nhiều lần hiện tại.
Rau rừng về phố và đắt khách - Ảnh 3.

Rau tầm bóp

Ngoài các loại rau rừng Tây Bắc, một số loại rau rừng ở Tây Ninh, An Giang như: kim thất, lá lốt, cát lồi, hồng ngọc, cải trời, càng cua, ngành ngạnh, xà lách xoong núi… cũng được vận chuyển về thành phố, thậm chí là theo đường hàng không, và bán khá chạy. Đây là các loại rau được sử dụng làm các món cuốn, lẩu hoặc ăn kèm với bánh xèo. Một đầu mối đổ buôn các loại rau rừng ở Hà Nội khẳng định, ngày cao điểm có thể bán từ 1 – 2 tạ rau cho các nhà hàng hoặc khách lẻ. Với nhiều người dân tại các vùng núi cao, hái rau rừng cũng trở thành một nghề chuyên nghiệp đem lại kinh tế ổn định cho gia đình.