09:36 07/07/2019

Hạt vi nhựa đã xuất hiện cả trong muối ăn!

Hoài Phương

Các nhà khoa học ước tính trung bình một người trưởng thành đưa vào cơ thể xấp xỉ 2 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm thông qua muối ăn. Đây là mối nguy thực sự.


Có thể tạm hiểu rằng, những rác thải từ nhựa mà con người đã ném xuống đại dương và sau đó chúng quay lại bằng cách xuất hiện trong bữa ăn thông qua thực phẩm là muối. Khi con người sử dụng muối biển nhiễm hạt vi nhựa đồng nghĩa sẽ mang theo hóa chất độc hại vào cơ thể.Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng trôi ra biển.Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 5 nghìn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương, và 90% trong số đó có chiều dài nhỏ hơn ¼ inch (= 6.35 mm) được gọi là những hạt vi nhựa, thậm chí có cả nano nhựa những hạt nhỏ li ti này được cho là một sự đe dọa ghê gớm nhất, vì chúng thường bị những loài phiêu sinh vật và những sinh vật nhỏ tưởng nhầm là "đồ ăn" và từ đó theo chuỗi thức ăn vào những con cá, con chim lớn hơn hoặc vào cơ thể những sinh vật khác (con người chẳng hạn). Các mẫu nước lấy ở Pháp và Đức cho thấy cứ một cốc nước 500 ml chứa tới 1, 9 sợi nhựa. Ở Mỹ có tới 95% mẫu nước uống nhiễm vi nhựa.
Hạt vi nhựa đã xuất hiện cả trong muối ăn! - Ảnh 1.
Một nghiên cứu diễn ra vào năm ngoái của các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace khu vực Đông Á, có đến 90% sản phẩm muối ăn được lấy mẫu từ nhiều nơi trên thế giới bị nhiễm hạt vi nhựa. Ba mẫu muối ăn duy nhất không chứa hạt vi nhựa đến từ Đài Loan (muối biển tinh luyện), Trung Quốc (muối đá tinh luyện), và Pháp (muối biển chưa tinh chế, sản xuất bằng cách cho bay hơi).Mật độ vi nhựa trong muối ở mỗi nhãn hiệu khác nhau, nhưng với sản phẩm muối từ châu Á thì mật độ này đặc biệt cao. Mật độ vi nhựa cao nhất là trong sản phẩm muối bán tại Indonesia - từng bị xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới. Cũng theo nghiên cứu này, muối biển chứa nhiều hạt vi nhựa nhất, xếp sau là muối hột và muối đá.Nghiên cứu trên chứng tỏ châu Á là điểm nóng của tình trạng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Điều này có nghĩa hệ sinh thái và sức khỏe con người ở vùng ven biển châu Á sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Gần đây, một công trình chỉ ra cơ thể người có thể chứa đến 9 loại vi nhựa khác nhau. Greenpeace ước tính nếu một người lớn tiêu thụ khoảng 10 g muối mỗi ngày thì sẽ đưa vào cơ thể 2.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Hạt vi nhựa đã xuất hiện cả trong muối ăn! - Ảnh 2.
Trước đó, các nhà khoa học tại Áo cũng đã công bố nghiên cứu xác định hải sản cũng là nguồn thực phẩm chứa nhiều vi hạt nhựa và chúng có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua thức ăn và gây tổn hại nghiêm trọng nếu đọng lại quá nhiều. Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox -  trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), cho biết. "Nước đóng chai có lượng hạt vi nhựa trung bình gấp 22 lần trong nước máy. Một người uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ khoảng 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm chỉ riêng từ nguồn này, so với 4.000 hạt từ nước máy," Kieran nhấn mạnh.
Hạt vi nhựa đã xuất hiện cả trong muối ăn! - Ảnh 3.
Theo các nhà khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.  Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.