14:11 16/10/2019

Hiểu để "đánh bại" chứng rối loạn lo âu

Hoài Phương

Chỉ khi những ngôi sao quốc tế tự tử vì trầm cảm, nhiều người mới biết đến triệu chứng mang tên rối loạn lo âu. Khi chứng bệnh này vượt ngưỡng, không dễ để tự đối phó.


Vấn đề rối loạn lo âu có tính chất bệnh lý, tương đối phổ biến, với tỉ lệ thường gặp là khoảng từ 1,5% - 3,5% dân số. Rối loạn lo âu ngày càng phổ biến ở giới trẻ. Ngoài yếu tố di truyền, hiện nay, bệnh này ngày càng dễ mắc phải là do những căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống. Người bệnh thường rơi vào trạng thái lo âu quá mức trước một tình huống hay sự việc nào đó, thậm chí là một sự lo lắng rất vô lý. Tình trạng này kéo dài liên tục, lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sự thích nghi của người bệnh với cuộc sống.Người bệnh thường có những biểu hiện như: nhịp tim nhanh, cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, cảm giác đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực, buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất đi, không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như sắp sửa đột quỵ…
Hiểu để đánh bại chứng rối loạn lo âu - Ảnh 1.
Người bệnh có thể có cảm giác như mình không còn ở môi trường đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân và cảm tưởng như sắp bị điên. Những biểu hiện của rối loạn lo âu này thường xảy ra sau khi người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý trong cuộc sống, ví dụ như phải đi xa nhà, ly hôn, người thân qua đời, bị lạm dụng, bị bạo hành...Rối loạn lo âu là một trong những chứng bệnh thuộc dạng tâm thần nhẹ phổ biến ở Mỹ, tuy nhiên ở Việt Nam nhiều người vẫn chưa chấp nhận rằng mình bị bệnh tâm thần. Họ thường có xu hướng né tránh và thường đi khám các chuyên khoa khác như tim mạch, thần kinh, tuy nhiên khi các bác sĩ nói rằng bị các vấn đề về tâm thần và khuyên đi khám tâm thần thì người bệnh không hợp tác.Điều đáng nói là, rối loạn lo âu thường xảy ra đồng thời với một số bệnh khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi... nên rất nguy hiểm. Bên cạnh những tác hại dễ thấy về tâm lý, khiến người bệnh luôn trong trạng thái sợ hãi, mất niềm tin vào cuộc sống, rối loạn lo âu còn gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe, điển hình là các vấn đề về tim mạch, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính...
Hiểu để đánh bại chứng rối loạn lo âu - Ảnh 2.
Để làm giảm lo âu, bạn hãy: Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ; Tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc; hăm sóc cơ thể về chế độ ăn, ngủ; Giảm bớt áp lực công việc; Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cơ quan; Tìm cách đưa sự mất cân bằng trong cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.Khi mới chớm mắc bệnh, có nhiều phương pháp điều trị tâm lý khác nhau nhằm giúp bệnh nhân quen dần với điều làm họ hoảng sợ, rồi dần dần đương đầu với chúng. Có hai dạng trị liệu tâm lý rất hiệu quả là trị liệu hành vi, trong đó chú trọng tới việc thay đổi hành vi; và trị liệu về nhận thức, trong đó dạy cho người bệnh cách hiểu và thay đổi lối suy nghĩ để có thể phản ứng khác với các tình huống khiến họ cảm thấy lo lắng.Liệu pháp thư giãn luyện tập là trị liệu tâm lý có tác dụng rất tốt trong việc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, giúp giãn mềm cơ bắp, làm cho thần kinh, tâm trí được thư thái, qua đó làm giảm những cảm xúc tiêu cực và các lo lắng, căng thẳng. Đồng thời các biểu hiện cơ thể của lo âu như rối loạn thần kinh thực vật cũng được điều hòa.
Hiểu để đánh bại chứng rối loạn lo âu - Ảnh 3.
Ngoài việc dùng thuốc và điều trị về tâm lý, những người mắc rối loạn lo âu sẽ nhanh khỏi bệnh hơn nếu họ được người thân giúp đỡ, an ủi, động viên, khích lệ. Khi người bệnh tâm sự với bạn về nỗi lo lắng nào đó, bạn đừng vội phủ nhận. Hãy tìm cách giải thích thật cụ thể và dễ hiểu với tất cả sự cảm thông, người bệnh sẽ bớt lo lắng hơn.