14:47 03/06/2019

Khoảng 30% người Việt thiếu vận động thể lực

An Nhiên

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.
Khoảng 30% người Việt thiếu vận động thể lực - Ảnh 1.
Thông báo từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA đưa ra cho thấy hiện tại chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp đứng thứ 3 châu Á, xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.Hiện tại chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay là 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. Như vậy, tính từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được thêm 3 cm.Bác sĩ Trần Khánh Vân - Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Theo nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, chỉ có 23% là yếu tố di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%. Nguyên nhân chính khiến người Việt Nam có trở ngại lớn trong việc phát triển chiều cao là do chế độ dinh dưỡng và quá trình tập thể dục, thể thao chưa hợp lý.Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM, kết quả cho thấy, có đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh trung học cơ sở được xếp vào nhóm ít hoạt động. Không chỉ trẻ nhỏ vận động ít mà cả người lớn cũng thiếu vận động thể lực ở mức báo động.
Khoảng 30% người Việt thiếu vận động thể lực - Ảnh 2.
Số liệu nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, có hoạt động thể lực trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương.Có tới hơn 70% các ca tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, các bệnh về đường hô hấp mạn tính và đái tháo đường… mà nguyên nhân khiến các bệnh không lây nhiễm gia tăng là do lối sống thiếu khoa học, lười vận động. Các chuyên gia y tế đã đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá.
Lười vận động vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với hệ tim mạch. Khi cơ thể ít vận động, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng sẽ bị trì hoãn. Vận động càng ít, tuần hoàn máu càng chậm, điều này đồng nghĩa với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ ngày càng cao. Không chỉ vậy, việc lười vận động, lười tập thể dục, hoạt động thể thao còn khiến lượng calo cần đốt cháy càng ngày càng giảm, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì.Hơn thế, khi không vận động hay tập thể dục thường xuyên, cơ thể cũng phải chịu áp lực nặng nề. Điều này dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ gây nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, lười vận động còn là nguyên nhân của những chứng bệnh phổ biến như đau khớp, đau vai gáy, stress… dẫn đến sức khoẻ suy giảm, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống.