09:31 15/08/2019

Nắng nóng, cẩn trọng với huyết áp!

Hoài Phương

Dù bạn là người mắc huyết áp thấp hay huyết áp cao, thì thời tiết nắng nóng là một trở ngại rất lớn, có thể dẫn đến nguy cơ bị tai biến.


Trước kia có quan niệm chỉ thời tiết lạnh mới ảnh hưởng đến tăng huyết áp. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến huyết áp rất nhiều. Nghiên cứu của khoa tim mạch cho thấy, thời tiết nóng làm giảm huyết áp ban ngày nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm. Cũng giống như bệnh tim, người mắc bệnh cao huyết áp trong mùa hè nếu ngủ không ngon giấc, sẽ xuất hiện hiện tượng ban đêm huyết áp tăng làm tổn hại tim mạch.Những ngày qua, viện Tim Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân vào khám hoặc nhập viện vì huyết áp tăng cao và tim mạch có vấn đề. Thời tiết quá nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não.
Nắng nóng, cẩn trọng với huyết áp! - Ảnh 1.
Khi thời tiết nắng nóng, người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp. Người có bệnh cao huyết áp nên uống nhiều nước và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống, để giảm được độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể đồng thời tạo thói quen uống 1 ly nước sau khi thức dậy vào buổi sáng và 1 ly trước lúc đi ngủ ban đêm.Nhiệt độ nóng bức khiến tim đập nhanh, huyết áp vì thế cũng tăng, đây là trở ngại cho những người vốn cao huyết áp sẵn. Người bị cao huyết áp thường cảm thấy bứt rứt khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, nếu như không điều trị kịp thời, dễ dẫn đến đau tim, nhồi máu cơ tim...Bên cạnh đó, những người có bệnh lý huyết áp thấp cũng không nên chủ quan. Do thời tiết nắng nóng nên các thành mạch giãn ra làm cho cơ thể tỏa nhiệt nhanh hơn. Chính vì sự giảm thể tích tuần hoàn máu và giãn thành mạch vào thời tiết nóng bức dẫn đến áp lực của dòng máu trong động mạch giảm và hạ huyết áp. Đây là mối nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp thấp.Huyết áp thấp dẫn đến việc vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy lên não bị hạn chế, đặc biệt, việc này sẽ khó khăn hơn cho người huyết áp thấp trong thời tiết nóng bức. Tình trạng trên sẽ dẫn đến những rối loạn thần kinh và làm tổn thương não nhiều hơn. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường gặp phải những triệu chứng đau đầu, chóng mặt, say tàu xe… nặng thì có thể dẫn đến rối loạn chứng năng của não bộ, nhồi máu não hay thậm chí là tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.
Mặc dù mùa hè nóng nực, người bệnh cao huyết áp vẫn nên cố gắng vận động. Có thể chọn đi bộ, đi xe đạp chậm, lên xuống cầu thang trong nhà, các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền… Không nên tập nặng. Nên tập đều đặn hàng ngày khoảng 30 phút và tập theo khả năng. Không nên tập giữa lúc trời nắng to, nên tập lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi không còn mặt trời. Chú ý uống đủ nước khi vận động.
Nắng nóng, cẩn trọng với huyết áp! - Ảnh 2.
Chế độ dinh dưỡng thích hợp cũng rất quan trọng. Nên hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn, tôm khô, trứng vịt muối… Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa… Bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, rượu… Tránh các chất kích thích như trà, cà phê.Những người mắc huyết áp thấp cần có một giấc ngủ trưa sau khi ăn, vì việc tiêu hóa thức ăn sẽ giữ một lượng lớn máu ở dạ dày. Nếu như bạn hoạt động thể lực ngay sau đó khiến việc cung cấp máu tới não không đủ và hạ huyết áp. Cần tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể.