12:21 17/10/2019

Nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu

Hoài Phương

Chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung, khi trẻ được  6 tháng đến 2 tuổi - được cho ăn những thức ăn đầu tiên, thường rất phổ biến ở Việt Nam.


Ngày 16/10, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2019: "Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng". Theo đó, số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động.Báo cáo chỉ ra rằng, cứ ba trẻ em dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân- tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Cứ 3 trẻ từ sáu tháng đến hai tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.Báo cáo cảnh báo rằng thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Phát hiện này cũng được nhấn mạnh trong một phân tích tổng thể về ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ trong khuôn khổ Sáng kiến Khu vực về Cải thiện Dinh dưỡng và Phát triển (RISING), được Viện Dinh Dưỡng (NIN) thực hiện trong năm 2019. Phân tích này cho thấy thực hành cho ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ ở Việt Nam phần lớn là chưa đầy đủ và phù hợp, khiến cho gánh nặng suy dinh dưỡng càng thêm nặng nề.
Nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu - Ảnh 1.
Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh. Hơn nữa, chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn trẻ ăn bổ sung, khi trẻ được  6 tháng đến 2 tuổi - được cho ăn những thức ăn đầu tiên, thường rất phổ biến ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm, và 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.Hậu quả là Việt Nam vẫn còn đến 24% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi, hơn 50% trẻ bị đói tiềm ẩn và 6% trẻ bị thừa cân. Tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tỷ lệ người thừa cân ở người trưởng thành tăng 12,% năm 2010 lên 17,5% năm 2015, đặc biệt là ở khu vực đô thị.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua song suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được. Và tỷ lệ thừa cân sẽ tăng".
Nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu - Ảnh 2.
Theo Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới, trẻ em càng lớn lên, việc trẻ em tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh càng trở nên đáng báo động, chủ yếu là vì các hoạt động quảng cáo, tiếp thị không phù hợp, thực phẩm siêu chế biến tràn ngập ở các thành phố và cả những vùng sâu vùng xa, thức ăn nhanh và nước giải khát có chất tạo ngọt ngày càng sẵn có. Do đó, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên bị thừa cân và béo phì ngày càng tăng trên toàn cầu. Từ năm 2000 đến 2016, tỷ lệ trẻ em thừa cân từ 5 đến 19 tuổi tăng đã gấp đôi.Theo UNICEF, chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD. Ngược lại, không được đảm bảo dinh dưỡng, thì ngay từ tấm bé, trẻ đã bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, thể chất, học lực… Hệ lụy về sau là năng suất lao động kém, dễ mắc bệnh tật, nghỉ hưu sớm, tuổi thọ thấp….